Nhiều trường “ăn dè, hà tiện” để dành thưởng Tết

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:17, 04/01/2016

Cứ mỗi dịp Tết đến thì nỗi niềm thưởng Tết giáo viên nơi ít, nơi nhiều vẫn luôn là nỗi niềm của các giáo viên ở khắp mọi miền đất nước.
Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương chiều 28.12, Bộ trưởng Lao động Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Nhiều khả năng mức thưởng cho người lao động sẽ là một tháng lương”. Bộ cũng đang hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc chi trả lương cuối năm và thưởng Tết.
Về cơ bản, ở các ngành khác dù có khó khăn đến mấy thì Tết đến cũng xoay sở cho người lao động của mình một khoản gọi là lương tháng thứ 13. Riêng với ngành giáo dục thì không có khoản này, mà phụ thuộc vào sự quan tâm của từng đơn vị hoặc từng địa phương.
Thưởng Tết giáo viên: Kẻ ít, người nhiều
Theo cô giáo Q. hiện đang công tác tại tỉnh Bình Thuận cho biết, hàng năm mỗi dịp Tết đến, tỉnh đoàn hỗ trợ công nhân viên chức các ngành trong đó có giáo viên, cán bộ hưu trí 1 triệu đồng/người.
Còn tiền thưởng Tết của riêng ngành giáo dục thì phụ thuộc vào khả năng chi tiêu tài chính của mỗi trường; trong năm, trường nào tiết kiệm tốt, có thêm các khoản thu khác thì khoản thưởng Tết ở mỗi trường là khác nhau.
Chính vì vậy, mới dẫn đến tình trạng cùng trong một tỉnh mà có trường thì giáo viên được thưởng tới 1-2 triệu đồng, có trường thì 200.000-300.000 đồng nhưng có trường thì giáo viên không nhận được đồng tiền thưởng nào.
Lý giải sự chênh lệch về số tiền thưởng trên, cô Q. cho biết: Mỗi năm, Nhà trường sẽ được cấp khoảng 150 triệu đồng để chi tiêu cho các hoạt động.
Với số tiền này, trường nào trong năm học mà chi tiêu cho nhiều hoạt động thì cuối năm không còn tiền để thưởng cho giáo viên và ngược lại.
Nhưng chính sự chi tiêu của các trường đã gây ra nhiều bất cập, trong khi các trường đạt chuẩn Quốc gia, các trường nằm ở trung tâm thị trấn, thị xã phải tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức các cuộc thi, thi đua khen thưởng, cải trang cơ sở vật chất từ việc quét vôi, ve khu vực lớp học, sửa sang nhà vệ sinh, bàn ghế, quạt, điện,…
Do nhiều hoạt động cần chỉnh sửa nên tốn kém và số tiền 150 triệu đồng không còn. Cho nên, đến Tết giáo viên sẽ không được thưởng đồng nào.
Trong khi các trường ở vùng quê thì họ “tiết kiệm” bằng cách không tổ chức nhiều hoạt động, không chỉnh sửa lại cơ sở vật chất nên dư dả, để dành thưởng cho giáo viên nhân dịp Tết đến xuân về có khi số tiền thưởng lên với vài triệu đồng/giáo viên.
Vấn đề thưởng Tết phụ thuộc vào cách chi tiêu của Nhà trường cũng xảy ra tương tự tại tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết:
“Do đặc thù ngành nên tiền thưởng Tết giáo viên nhiều hay ít phụ thuộc vào quỹ phúc lợi mà trường tích cóp được trong một năm”.
Cô Q. tâm sự thêm, Tết năm ngoái (2014), mỗi giáo viên của trường nơi cô công tác được thưởng 200.000 đồng nhưng số tiền đó là do Hiệu trưởng thấy thương giáo viên quá nên đã ứng tiền hoạt động trường năm 2015 để thưởng.
Trong khi, một trường cách đó 6 km thì mỗi giáo viên được thưởng hơn 1 triệu đồng.
32 năm đứng bục giảng chưa biết thưởng Tết là gì?
Càng gần tới Tết Nguyên đán chuyện thưởng Tết cho các giáo viên tại các trường dường như lại càng “nóng” hơn nhưng đối với một tỉnh miền núi Cao Bằng thì tháng Tết cũng giống như 11 tháng còn lại trong năm.
Hiệu trưởng một trường Tiểu học thuộc tỉnh Cao Bằng cho biết: “Hiện tại các trường chưa có tài khoản riêng nên thậm chí tiền lương hàng tháng của giáo viên là do Phòng GD&ĐT chi trả vào tài khoản của mỗi người nên chuyện thưởng Tết của tỉnh là chưa có.
Công tác trong ngành đã 32 năm nhưng tôi chưa biết đến một đồng tiền thưởng Tết. Vì ở vùng sâu vùng xa, nơi công tác vất vả, thương học trò nên chúng tôi chỉ biết tận tụy với tụi nhỏ chứ không dám đòi hỏi gì”.
Thùy Linh - Giáo dục Việt Nam

Một Thế Giới