Gián điệp Trung Quốc kỷ nguyên số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:51, 29/05/2015
Người Trung Quốc có lẽ là một trong những dân tộc đầu tiên trên thế giới sử dụng gián điệp và nâng tầm cho hoạt động này lên thành một nghệ thuật.
Gián điệp công nghệ cao
Cuốn binh thư sớm nhất đề cập đến việc sử dụng gián điệp toàn diện nhất trong lịch sử thế giới là cuốn Binh pháp của Tôn tử và Tam thập lục kế. Cho đến thời điểm hiện tại, gần như các hoạt động gián điệp trên toàn thế giới được xem là vẫn gói gọn trong hệ thống mà Tôn tử đã lập ra cách đây hàng ngàn năm, nên cũng không khó hiểu khi Trung Quốc ở thời điểm hiện tại đang là một trong những nước đẩy mạnh hoạt động gián điệp nhất, từ những hacker đánh cắp thông tin trên mạng cho tới các nhân viên tình báo theo kiểu truyền thống. Nhưng vẫn còn một loại gián điệp khác đang được Trung Quốc sử dụng mà phương Tây khó có thể học tập, đó là gián điệp công nghiệp phong cách Trung Quốc.
Tam thập lục kế, kế phản gián
Các hoạt động tình báo và gián điệp là chuyện không có gì mới trong lịch sử, trong bất cứ một giai đoạn nào các quốc gia luôn có nhu cầu dò xét lẫn nhau bất kể là trong thời chiến hay thời bình. Lịch sử của hoạt động gián điệp cũng thay đổi theo thời gian và mục đích. Nếu như trong phần lớn thời gian trong lịch sử gián điệp gắn liền với mục đích thu thập và đánh cắp tin tức liên quan đến chính trị và quân sự, thì kể từ giai đoạn cách mạng công nghiệp cho đến nay, có thêm một loại gián điệp mới ra đời, đó là gián điệp công nghiệp. Mục đích cao nhất mà loại gián điệp này nhắm tới là các bí mật công nghệ, các phát minh khoa học hay thậm chí là chính những nhà khoa học lừng danh. Khi một bí mật công nghệ hay một phát minh có thể làm thay đổi cục diện của cả một ngành công nghiệp hay thậm chí là thay đổi cục diện giữa các cường quốc như công nghệ chế tạo bom nguyên tử, thì mới thấy hết giá trị của gián điệp công nghiệp này.
Các hình thức gián điệp công nghiệp thường thấy là, mua chuộc các nhân viên trong các nhà máy hay các tập đoàn công nghiệp để đánh cắp các chi tiết kỹ thuật và công nghệ. Cách làm này có ưu thế về tốc độ triển khai và độ chính xác tương đối cao. Ngoài ra, một cách làm khác thường được các quốc gia hướng tới trong việc đánh cắp các bí mật công nghệ của nhau, là sử dụng các hacker.
Những tin tặc này cũng thường được tuyển mộ ngay tại quốc gia định đánh cắp thông tin vốn là những người quen thuộc với hệ thống bảo mật ở nước này nhất, và đối tượng được nhắm tới là các tập đoàn công nghệ lớn. Và dĩ nhiên trong cuộc chiến đánh cướp các bí mật công nghệ này, thì những quốc gia có trình độ công nghệ cao như Mỹ thiệt thòi hơn là Nga hay Trung Quốc vốn là các nước đi sau. Các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft hay Apple cũng như các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ là đối tượng thường xuyên được các hacker và các gián điệp công nghiệp của Nga và Trung Quốc để mắt.
Nhưng, người Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng một loại gián điệp công nghiệp mới, mà phương Tây thường không chú ý đến. Đó là những người Trung Quốc đang làm việc ở những vị trí cao cấp trong các tập đoàn hay các nhà máy công nghệ lớn. Điều nghịch lý ở đây là, các nhà lãnh đạo các nhà máy và tập đoàn công nghệ phương Tây thậm chí lại nghi ngờ các nhân viên bản xứ của mình hơn là các nhân viên có lai lịch từ Trung Quốc.
Vì hầu hết các cá nhân có lai lịch Trung Quốc đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong các tập đoàn này đều được xem là không có quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Phần lớn trong số đó là những người đã sinh sống và làm việc nhiều năm ở phương Tây. So với những người này, thì các nhân viên người phương Tây bản xứ lại dễ bị nghi ngờ hơn do họ dễ bị cám dỗ bởi tiền bạc hơn.
"Cõng rắn cắn gà nhà"
Thế nhưng, sự ngây thơ này đang khiến các tập đoàn phương Tây phải lãnh những hậu quả nặng nề. Hàng loạt các vụ gián điệp công nghiệp được phanh phui gần đây đều dính dáng đến những cá nhân gốc Hoa đang làm việc ở các tập đoàn và nhà máy lớn. Trong tuần trước, bộ tư pháp Mỹ buộc tội 6 nhà khoa học gốc Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động đánh cắp bí mật công nghệ và thương mại. Việc các vụ đánh cắp bí mật công nghệ liên quan đến các cá nhân gốc Hoa ngày càng tăng đang là hồi chuông báo động cho các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ, khi nó đang diễn ra tràn lan trên khắp các lĩnh vực.
Sở dĩ như thế, là vì lực lượng các giáo sư, trí thức và nhân viên cao cấp gốc Hoa hoạt động trong các tập đoàn và các trường đại học lớn ở Mỹ rất đông. Trường hợp nổi tiếng nhất là một giáo sư Trung Quốc làm trưởng khoa vật lý trường đại học Temple ở Mỹ đã đánh cắp một công nghệ bán dẫn nổi tiếng đem về Trung Quốc và giúp cho lĩnh vực bán dẫn ở Trung Quốc phát triển cực nhanh trong khoảng thời gian gần đây.
Trong lĩnh vực sử dụng gián điệp công nghiệp có gốc gác bản xứ này, Trung Quốc tỏ ra có nhiều lợi thế hơn các nước phương Tây rất nhiều. Số người gốc Hoa làm việc cho các tập đoàn và doanh nghiệp phương Tây và nắm giữ các vị trí cao khá đông đảo, còn số người Âu làm việc cho các tập đoàn và doanh nghiệp Trung Quốc thì gần như chẳng có bao nhiêu. Khác với các nước Ả Rập vốn có thói quen sử dụng những nhân vật gốc Âu vào các vị trí điều hành, thì ở Trung Quốc vị trí này bao giờ cũng là người Hoa. Một phần lý do cũng đến từ việc, bản thân người Trung Quốc đã từng phải trả giá cho bài học này trong quá khứ.
Gậy ông đập lưng ông
Vào thế kỷ 17, khi Trung Quốc đang là bá chủ trong lĩnh vực đồ gốm sứ với công nghệ làm sứ dán, một công nghệ tạo ra các sản phẩm độc nhất vô nhị được phương Tây rất ưa chuộng. Nhưng vào những năm 1680, một linh mục dòng Tên người Pháp là Pere d’Entrecolles khi đi du lịch qua các lò gốm Trung Quốc, nhờ khả năng đọc được văn bản chữ Hán mà ông này đã nắm được những kỹ thuật cốt lõi nhất của công nghệ này. Chỉ vài chục năm sau, những nhà máy đầu tiên sản xuất loại sứ đặc biệt này được dựng lên ở Pháp và phá vỡ thế độc quyền của người Trung Quốc.
Đây được xem là vụ đánh cắp công nghệ lớn đầu tiên mà người Trung Quốc là nạn nhân, và từ đó sự đề phòng được duy trì ở mức độ nghiêm ngặt nhất, nhất là đối với những người phương Tây để tránh tai họa trên lặp lại một lần nữa. Và giờ đây đến lượt người phương Tây phải trả giá cho sự thiếu cảnh giác của mình. Tuy nhiên, sau những vụ scandal này, có lẽ sự đề phòng và cảnh giác đối với các nhà khoa học và nhân viên cao cấp gốc Hoa ở các tập đoàn phương Tây sẽ được đẩy cao lên hơn bao giờ hết để ngăn chặn loại gián điệp công nghiệp phong cách Trung Quốc này.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)