Thí sinh điểm cao trượt viên chức: Chuyện không phải lần đầu

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:22, 11/12/2015

Như báo điện tử Một Thế Giới đã đưa tin, có khá nhiều thí sinh tham gia kỳ thi xét tuyển viên chức mặc dù điểm khá cao, thậm chí điểm số cao nhất huyện vẫn bị trượt viên chức một cách oan ức.
Sự việc này không phải là lần đầu tiên. Trước đó tại kỳ thi năm 2014, nhiều thí sinh kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Với sự vào cuộc của báo chí, Sở Nội vụ Hà Nội thời điểm đó đã có văn bản yêu cầu những thí sinh có điểm chưa rõ ràng thì về trường xác nhận lại để Hội đồng có cơ sở giải quyết. Nhiều thí sinh đã được điều chỉnh tính lại điểm tốt nghiệp khi Sở Nội vụ có văn bản này.
Đến năm 2015, vẫn với cách tính điểm này nhưng lại áp đặt các trường hợp khác nhau khiến các thí sinh gần như bị loạn vì không biết là Hội đồng tuyển dụng "áp" điểm số của mình vào nghị định nào, cơ chế cụ thể ra sao.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới khi gửi đơn thư kiến nghị lên Sở Nội vụ Hà Nội tới 3 lần nhưng vẫn không được phúc đáp, chị N.T.P.Liên (Thạch Thất, Hà Nội) cho hay: 
"Chính kiểu công văn của Sở Nội vụ đã khiến giấc mơ trở thành viên chức giáo dục của tôi tan thành mây khói. Bản thân tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, bằng loại khá chuyên ngành Sinh học và đã có 6 năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường. Nhưng chỉ vì công văn "vô lý" của Sở Nội vụ mà toàn bộ điểm số của tôi đã bị tụt lại đáng kể so với các bạn thí sinh khác, thậm chí là thua điểm cả với các thí sinh có bằng tại chức, cao đẳng".
vien chuc, tinh diem tot nghiep, So Noi vu Ha Noi,  truot vien chuc, diem thi tot nghiep, don khieu nai
Điểm số khá cao của một thí sinh tham dự kỳ thi viên chức giáo dục tại Hà Nội
Có thể dễ dàng nhận thấy, nếu chiếu theo công văn 2973/SNV-ĐTBDTD, tất cả các trường hợp không có điểm thi tốt nghiệp các môn điều kiện tốt nghiệp (Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng hồ Chí Minh) trên bảng điểm đều được quy theo cách tính điểm của trường hợp bảng điểm không rõ ràng (Điểm tốt nghiệp được quy theo bằng tốt nghiệp). 
Công văn này viện dẫn nội dung QĐ 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26.6.2006 về nội dung các môn thi tốt nghiệp. Công văn 2973 cũng nêu rõ: “Điểm tốt nghiệp được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn của người được xét tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1”.
Và trong đó, nghi định số 29/2012/ND-CP lại ghi rõ không phân biệt môn học và môn thi điều kiện hay không điều kiện, nhưng trong QĐ 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26.6.2006 cũng đã nêu rất rõ ràng: “Kết quả các học phần giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất và kết quả kỳ thi tốt nghiệp đối với các môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh không tính vào điểm trung bình chung học tập của học kỳ, năm học hay khoá học".
"Việc đánh giá kết quả và điều kiện cấp chứng chỉ đối với các học phần này theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những điểm thi của các môn thi điều kiện tốt nghiệp chỉ là môn điều kiện, không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập. Vậy mà tại sao lại bắt chúng tôi tính điểm môn đó? Thậm chí chúng tôi gửi đơn thư đồng ý quay trở lại trường để xin lại điểm điều kiện đó cho rõ trắng - đen nhưng Sở Nội vụ và Hội đồng tuyển dụng lại không hề có sự phúc đáp nào", chị Liên bức xúc bày tỏ.
Cũng như chị Liên, chị N.T.K.L (Ứng Hòa, Hà Nội) không đồng tình với cách tính điểm này. Chị khẳng định những quy định trên thì điểm thi các môn điều kiện tốt nghiệp chỉ là môn điều kiện, không ảnh hưởng đến điểm của toàn khóa.
"Đã không ảnh hưởng đến xếp loại bằng thì sao lại phải tính vào điểm tốt nghiệp trong tổng điểm thi tuyển viên chức? Hơn nữa, quyết định 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26.6.2006 có đề cập đến các môn giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất cũng là môn điều kiện không tính điểm vào bảng điểm. Vậy tại sao Sở Nội vụ Hà Nội không yêu cầu tính lại điểm học tập mà chỉ tính lại điểm thi tốt nghiệp? Tại sao công văn về việc hướng dẫn tính điểm này không ban hành ngay từ khi có ban hành kế hoạch và hướng dẫn tuyển dụng viên chức mà đến khi tổng điểm đã công khai mới ban hành?
Và trong công văn cũng không nêu rõ là có cho thí sinh quay trở lại trường học xin cấp lại bảng điểm các môn thi điều kiện hay không? Như vậy khác nào cố ép các thí sinh có bằng Đại học chính quy “phải trượt”? Nếu Sở Nội vụ cho là Công văn 2973/SNV-ĐTBDTD đúng thì các trường hợp thi viên chức trước đây áp dụng công thức tính điểm cũ - các thí sinh trượt đó, ai sẽ chịu trách nhiệm?", chị L. nói.
vien chuc, tinh diem tot nghiep, So Noi vu Ha Noi,  truot vien chuc, diem thi tot nghiep, don khieu nai
Chị N.T.P.Liên (Thạch Thất, Hà Nội) đã gửi thư đến Sở Nội vụ nhiều lần nhưng vẫn không được hồi đáp
Khi được hỏi về cách tính điểm của Sở Nội vụ dành cho các thí sinh thi viên chức năm 2015, thầy giáo H.M.Đ (Phòng giáo dục đào tạo trường Đại học Xây dựng, Hà Nội) chia sẻ:
"Hiện nay đang có bất cập trong cách hiểu tính điểm tốt nghiệp của các Hội đồng tuyển dụng của nhiều địa phương. Họ cứ áp đặt, dập khuôn máy móc dựa trên văn bản của Bộ Nội vụ mà không quan tâm đến các văn bản liên quan đến quy định đào tạo của Bộ GD-ĐT, làm khó các thí sinh, thậm chí ngay cả các thí sinh hệ chính quy có bằng khá, giỏi của trường. Nếu chỉ cần để ý sự khác biết trong bảng điểm là họ hoàn toàn có thể nhận ra một điều: các học phần được tính điểm tốt nghiệp sẽ có số đơn vị học phần (đối với đào tạo niên chế) và số tín chỉ (đối với đào tạo tín chỉ). Ở các môn thi điều kiện để xét tốt nghiệp sẽ không có số đơn vị học phần".
Nếu chiếu theo công văn 2973 thì chỉ các thí sinh có bằng đại học cao đẳng chính quy mới bị thụt điểm đi, còn các thí sinh tại chức, học hệ trung cấp vẫn giữ nguyên điểm. Điều đó không công bằng cho tất cả các thí sinh. Khi các thí sinh chính quy bị thụt điểm thành trượt thì đương nhiên các thí sinh trung cấp và hệ tại chức đang trượt trở thành trúng tuyển.
Hiện phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã liên lạc với Sở Nội vụ Hà Nội để đặt lịch làm việc cụ thể và sẽ gửi thông tin sớm đến bạn đọc sự việc này.
Minh Khuê

Một Thế Giới