Thủ tướng: Cầu thị lắng nghe, khắc phục yếu kém thi THPT quốc gia

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 04:41, 06/11/2015

Ngày 5.11.2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp toàn thể UB Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015. Vấn đề đổi mới sách giáo khoa, điều chỉnh phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016… được Thủ tướng đề cập cụ thể.
Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh,, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, phát triển nguồn nhân lực.
Phiên họp đã tập trung đánh giá, thảo luận vào 5 nội dung chính là: tình hình triển khai và kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; công tác tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015; khung trình độ quốc gia.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UB quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011-2015 nhấn mạnh, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Nhìn lại sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, nền giáo dục đã có những bước phát triển tích cực, nhất là những kết quả đạt được trong đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi công tác quản lý giáo dục và đào tạo; phát triển đổi ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục;…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là phải thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, một trong những công tác có ý nghĩa quyết định bởi giáo dục - đào tạo suy cho cùng chính là yếu tố con người, là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, là yếu tố có vai trò quyết định trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đề cập đến hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là hai nội dung có sự gắn bó chặt chẽ với nhau; yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành tại cuộc họp, đồng thời tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội hoàn thiện báo cáo về hệ thống giáo dục quốc dân cũng như về khung trình độ quốc gia, trong đó cần đặc biệt lưu ý làm rõ những hạn chế của hệ thống giáo dục quốc dân hiện tại để đề xuất hệ thống giáo dục quốc dân mới cũng như đề xuất phương án thực hiện đảm bảo được tính khả thi; đồng thời làm rõ sự cần thiết xây dựng khung trình độ quốc gia, nhất là về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; phạm vi và cấu trúc của khung trình độ quốc gia;…
“Tinh thần là phải bám sát Nghị quyết của Trung ương, bám thực tiễn đã được tổng kết và những cái phù hợp của mình; đồng thời tiếp thu những xu thế chung của thế giới” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
thi THPT quoc gia
 
Về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước hết phải xây dựng, phải xác định được chương trình, sau đó mới có sách giáo khoa; tuy nhiên đây là hai yếu tố không thể tách rời mà phải luôn gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau; yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục phợp chặt chẽ nhằm thực hiện hiêu quả công tác đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đảm bảo phù hợp, sát thực tế theo đúng tinh thần mà chủ trương của Trung ương đã xác định về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, cao đẳng chính quy năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, kỳ thi đã có sơ bộ đánh giá, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trình bày trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ về những mặt được, những mặt còn hạn chế của kỳ thi với tinh thần hết sức cầu thị, nghiêm túc. Bộ trưởng Luận cũng đồng thời báo cáo về nội dung này trước Trung ương.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể, chặt chẽ, tổ chức Hội nghị tổng kết để tiếp tục làm tốt kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, cao đẳng chính quy của năm 2016.
“Phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân và các địa phương, các trường, nhất là vấn đề tuyển sinh và phát huy quyền làm chủ của các trường để có đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế gắn với các biện pháp khắc phục và từ tổng kết thực tiễn, những gì đã làm tốt thì phải làm tốt hơn, những gì còn hạn chế, yếu kém so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì phải ra sức khắc phục, ra sức sửa đổi, bổ sung; đề xuất phương án tốt nhất, hiệu quả nhất cho kỳ thi THPT quốc gia của năm 2016” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
P.Thảo - Dân Trí

Một Thế Giới