Náo loạn xét tuyển đại học ‘phút 89’!

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:03, 21/08/2015

Đến tận phút cuối thí sinh vẫn không thể biết chắc mình đậu hay rớt vì điểm nộp vào biến động liên tục.
Hôm qua, 20-8, ngày cuối cuộc đua xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Hàng ngàn thí sinh và phụ huynh đổ về các trường ĐH với tâm trạng âu lo lên đỉnh điểm vì giờ G nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đang dần khép lại nhưng vẫn chưa biết có giành được một suất vào ĐH hay không.

Hồi hộp “đặt cửa”

Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cuộc đua vào giai đoạn nước rút với bầu không khí căng thẳng. Từ sáng sớm, hàng trăm thí sinh đã có mặt tại trường để nộp, rút hồ sơ ĐKXT và theo dõi diễn biến dữ liệu xét tuyển được cập nhật liên tục trên website của trường, qua đó nhằm “đặt cửa” vào trường chuyên ngành kinh tế này. Thí sinh và cả phụ huynh chìm trong lo âu trước diễn biến điểm thi nhích lên từng giờ.

Cuộc “đấu trí” của thí sinh có điểm bình quân 7,75 điểm/môn chỉ thật sự bùng lên khi có cả trăm thí sinh có điểm 24-26 (bình quân trên 8 điểm/môn) kéo đến nộp hồ sơ khiến gần 500 thí sinh có điểm từ 23,25 trở xuống đã nộp hồ sơ vào trường trước đó sốc thực sự. Lác đác vài chục rồi cả trăm thí sinh ào ào làm nhanh thủ tục rút hồ sơ để kịp chạy sang trường khác. Và đích đến của các thí sinh này là ngành kinh tế của Trường ĐH Tài chính-Marketing có mức điểm nhận hồ sơ 20,25 điểm.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn trăm thí sinh có điểm 23,50-23,75 vẫn nấn ná đến giờ chót mới chịu rút hoặc quyết định ở lại. “Biết cơ hội rất mong manh nhưng em quan sát thêm đến đầu giờ chiều, nếu có thêm thí sinh điểm 24 trở lên đổ vào thì em chạy sang Trường ĐH Tài chính-Marketing nộp để không vuột mất cơ hội” - một thí sinh tên Huyền cho biết.

Nao loan xet tuyen dai hoc ‘phut 89’!-hinh-anh-1

 Thí sinh chen lấn nộp, rút hồ sơ xét tuyển trưa 20-8 tại ĐH Y Hà Nội.
Ảnh: HUY HÀ

 Vào, ra trong xót xa

Tương tự, tại Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II ở TP.HCM, những thí sinh có điểm cao “ngất ngưởng” cũng bị “vỡ trận” khỏi cuộc đua vào trường. Hàng trăm thí sinh có điểm 25-26 thấp thỏm rút hồ sơ. Thí sinh Nguyễn Duy Quốc có điểm bình quân 8,6 điểm/môn không giấu được buồn bã: “Nỗ lực học tập của em dồn vào kỳ thi này với tâm nguyện vào Trường ĐH Ngoại thương nhưng tình cảnh này không thể thành hiện thực. Em bị đánh bật khi mặt bằng điểm xét tuyển của trường từ 26 điểm trở lên”. Quốc cho biết rút hồ sơ xong sẽ chạy thẳng sang đăng ký vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM do nơi này vẫn còn nhiều cơ hội.

Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, với tâm trạng khá căng thẳng, anh Lâm - một phụ huynh cho biết con anh được 24 điểm nhưng 20 ngày qua chỉ “ngắm nghía”, không nộp vào trường nào vì sợ mất thời gian, công sức đi lại. Đến ba ngày cuối, cha con anh quyết định rời Lâm Đồng về túc trực tại Trường ĐH Kinh tế để canh điểm từng ngày, đến ngày cuối thấy hồ sơ nộp vào điểm sàn 24 anh mới mạnh dạn giục con nộp.

“Cả đêm hôm qua hai cha con thao thức sợ điểm đẩy lên cao sẽ mất cơ hội vào ngành kinh tế, vì vậy tôi đi sớm để theo dõi số thí sinh đến nộp điểm cao nhiều không rồi mới tính chuyện nộp hồ sơ vào. Nay nộp rồi nhưng vẫn thấy hồi hộp vì lỡ đến chiều điểm tiếp tục nhảy vọt nữa thì không kịp trở tay” - anh Lâm phân trần.

Phó mặc số phận

Thí sinh Nguyễn Thanh Tú (Nam Định) được 28,5 điểm, sáng 20-8 mới đến Trường ĐH Y Hà Nội để nộp hồ sơ. Tú cho biết với điểm số đạt được em tự tin mình sẽ đỗ ngành y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội. “Hôm nay em mới nộp hồ sơ là vì còn do dự giữa hệ dân sự Học viện Quân y hay ĐH Y Hà Nội. Học quân y thì không phải đóng học phí nhưng học ĐH Y Hà Nội sau này ra trường thì bằng danh giá hơn” - Tú chia sẻ.

Thí sinh Hứa Thị Thu Hằng (Phú Thọ) cũng chờ đến ngày cuối mới quyết định nộp hồ sơ. Hằng được 24,75 điểm, mong muốn vào ngành điều dưỡng của ĐH Y Hà Nội. Những ngày qua Hằng theo dõi điểm chuẩn dự kiến thấy có khả năng đỗ nên mới nộp hồ sơ. “Em quê ở xa, lo rút ra nộp vào mệt nên theo dõi đến ngày cuối khi gần chắc mới nộp. Tuy nhiên, hôm nay em thấy các bạn điểm cao đến nộp vẫn rất đông. Em đang lo điểm chuẩn sẽ tăng vì vậy có thể trượt” - Hằng cho biết.

Thí sinh Trần Ngọc Hiếu (Kon Tum) cho biết em được 27,75 điểm, trước đó đã nộp vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, tuy nhiên do điểm của trường lấy hơn 28 điểm nên ngày 15-8 em cùng cha bắt xe ra nộp vào Trường ĐH Y Hà Nội. Năm ngày qua, ngày nào Hiếu cũng lên trường để theo dõi thông tin và thấy điểm chuẩn liên tục tăng. “Điểm chuẩn vào trường đang là 27,75. Giờ em đang lưỡng lự không biết có nên rút ra để nộp sang hệ dân sự của Học viện Quân y không. Nếu rút ra mà điểm chuẩn vẫn lấy 27,75 thì em rất tiếc. Còn nếu không rút, các bạn điểm cao nộp vào em có thể bị trượt. Đến phút cuối thì em chỉ biết phó mặc cho số phận thôi” - Hiếu than.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Quản lý đào đạo của ĐH Y Hà Nội, cho biết trong sáng qua có khoảng 100 thí sinh điểm cao nộp hồ sơ, ngoài ra có khoảng 50 em đến rút hồ sơ.

 

Sẽ có thí sinh điểm cao vẫn trượt

Nhận định về đợt xét tuyển, TS Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, dẫn lại mong muốn của Bộ GD&ĐT cho thí sinh lựa chọn nguyện vọng sau khi có điểm thi để không bị trượt oan. Nhưng theo ông Dũng thì nó chỉ giảm thiểu phần nào và chắc chắn sẽ có những thí sinh bị trượt oan. “Mặc dù các trường cập nhật dữ liệu điểm chuẩn dự kiến đến 15 giờ ngày 20-8 nhưng ngày cuối cùng có nhiều xáo trộn về hồ sơ và điều chỉnh nguyện vọng. Ngoài ra, còn hồ sơ nộp qua đường bưu điện và nộp qua các sở GD&ĐT. Phút cuối hồ sơ điểm cao hơn nộp vào nhiều thì thí sinh có thể đỗ thành trượt. Lúc đó thì trở tay không kịp, vì vậy điểm cao vẫn có thể trượt ĐH” - ông Dũng phân tích.

Theo ông Dũng, mong muốn của Bộ GD&ĐT đã bị trượt khỏi mục đích ban đầu khiến việc xét tuyển trở nên mệt mỏi và căng thẳng cho phụ huynh và thí sinh.

Đúng là “đánh bạc”

PGS-TS Nguyễn Hữu Lập, người phát ngôn Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, cũng cho rằng ngày cuối cùng thí sinh sẽ phải nộp hồ sơ theo kiểu “ăn thua”. “Mặc dù các trường thường xuyên cập nhật nhưng số liệu 1-2 tiếng sau đã khác rồi. Những thí sinh ở mức mấp mé đến phút cuối dù có chắc hay không chắc thì cũng phải đặt cửa. Đúng là “đánh bạc”, không biết mình đỗ hay không” - ông Lập nói.

Ông Lập cho rằng cái khó hiện nay của các trường trong tuyển sinh là khâu soạn đề thi. Vì vậy mong muốn của nhiều trường là Bộ GD&ĐT giúp các trường trong việc làm đề thi, sau đó để các trường tự tổ chức tuyển sinh.

Để đảm bảo sự công bằng, minh bạch về ĐKXT, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ:

- Trước 18 giờ ngày 21-8: Tổng hợp dữ liệu ĐKXT và công bố công khai danh sách thí sinh ĐKXT vào trường.

- Từ 18 giờ ngày 22-8: Cập nhật lần cuối danh sách thí sinh ĐKXT vào trường, công bố danh sách trúng tuyển trước ngày 25-8.

Phong Điền - Huy Hà / Phapluattp.vn

Một Thế Giới