Mười sự thật bất ngờ có thể bạn chưa biết về việc nuôi con bằng sữa mẹ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:10, 05/08/2014
1. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu không những giúp giảm số tử vong ở trẻ nhũ nhi mà còn cho thấy lợi ích rõ rệt về kinh tế.
Đó là kết luận của một nghiên cứu được công bố gần đây về mối liên hệ giữa thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và bệnh tật ở trẻ nhũ nhi tại Việt Nam, thực hiện bởi Nemat Hajeebhoy và cộng sự. Nghiên cứu cho thấy rằng càng sớm cho trẻ bú sữa mẹ và cho bú sữa mẹ hoàn toàn có hiệu quả bảo vệ giúp trẻ chống lại bệnh tiêu chảy và hội chứng hô hấp cấp. Trong đó, tác dụng bảo vệ trẻ khỏi hội chứng hô hấp cấp được giữ gần như nguyên vẹn khi trẻ lớn lên.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rất tích cực ủng hộ và đã đưa ra khuyến cáo rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Hình 1: Sự tương quan giữa cách thức cho con bú và tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy hay hội chứng hô hấp cấp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nghiên cứu khảo sát trên 6.068 trẻ tại Việt Nam. Trục tung là % mắc bệnh. |
2. Các bà mẹ có thể cho rằng sữa non không sạch và hiểu sai về tầm quan trọng của nó.
Sữa non bắt đầu được tiết ra vào cuối thai kì của các phụ nữ mang thai và kéo dài đến hết ngày thứ 3 hoặc thứ 7 sau sinh. Loại sữa này cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú, chứa nhiều kháng thể (giúp chống lại các bệnh lý nhiễm trùng), ít chất béo và nhiều protein hơn sữa mẹ thông thường.
Trong một nghiên cứu của mình, Jerzy Kurma đã phát hiện hầu hết các bà mẹ từ chối cho con bú sữa non là do bị tác động bởi quan niệm truyền thống: “Sữa non có thể làm hại đứa trẻ!”.
Trong thực tế, người ta có nhiều quan niệm tiêu cực về sữa non! Ở đây có thể kể ra một số như sau: Sữa non là chất bẩn, có chứa mủ dơ, là chất thải của cơ thể người mẹ, không phải là thức ăn và có thể khiến trẻ bị vàng mắt. Để chống lại nhận thức sai lệch này, các cơ sở Y tế về chăm sóc sức khỏe tiền sản và cho con bú cần chủ động hướng dẫn phụ nữ mang thai và khuyến khích họ nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách. Đây là điều hết sức cần thiết và cần phải áp dụng trên diện rộng.
3. Người thân có thể hỗ trợ, khuyến khích để làm tăng sự tự tin của bà mẹ trong việc nuôi con bằng sữa mẹ. – Theo một nghiên cứu tại Canada.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Cynthia Mannion và cộng sự đã chỉ ra rằng phụ nữ cảm thấy tự tin hơn vào khả năng của mình về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ khi được khuyến khích bằng lời nói của người thân.
Ngược lại, những bà mẹ cảm thấy người thân của họ có ác cảm hay suy nghĩ tiêu cực về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ sẽ kém tự tin hơn; hậu quả là làm giảm tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ.
4. Nước Anh: Hỗ trợ qua điện thoại làm tăng khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.
Đường dây tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ là một phương pháp phổ biến giúp hỗ trợ và cung cấp thông tin cho người gọi. Sự ra đời của đường dây tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cấp quốc gia tại nước Anh đã làm tăng một lượng lớn số người gọi đến.
Nicola Crossland và Gill Thomson đã nghiên cứu và cho thấy sự hỗ trợ qua điện thoại không hẳn tác động được đến quyết định cho con bú của các bà mẹ nhưng với các thông tin nhận được, họ sẽ cảm thấy chắc chắn, tự tin và quyết tâm hơn để duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ.
5. Sự tiếp xúc da kề da trong khi cho con bú tạo ra cảm giác hạnh phúc cho người mẹ và giúp rút ngắn thời gian giải quyết các trục trặc trong việc ngậm bắt vú của trẻ.
Nghiên cứu của Kristin Svensson và cộng sự đã chứng minh tiếp xúc da kề da trong lúc cho trẻ bú sữa mẹ sẽ ngay lập tức làm tăng cảm xúc tích cực của bà mẹ và đồng thời nó giúp làm giảm thời gian cần thiết để giải quyết các trục trặc nghiêm trọng trong việc ngậm bắt vú của trẻ. Kết quả này có được có lẽ do việc tiếp xúc tạo ra một hiệu ứng giúp xoa dịu trẻ và giải phóng stress.
6. Các chuyên gia sức khỏe nên cung cấp các dịch vụ phù hợp và hài hòa với nền văn hóa, phong tục tập quán của người dân.
7. Khoảng thời gian cho con bú có liên quan đến việc giảm lâu dài nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho các bà mẹ trong tương lai khi ở độ tuổi 50 hoặc trẻ hơn.
Siv Natland và cộng sự đã tìm thấy rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp các bà mẹ có ít nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở giai đoạn sau của cuộc đời, đặc biệt là những ai ở độ tuổi 50 hay trẻ hơn. Do vậy, việc cho con bú có thể làm giảm những thay đổi bất lợi liên quan tới thời kì thai sản lên hệ thống tim mạch, và hiệu ứng này vẫn tiếp tục được duy trì sau khi chấm dứt thời kì sinh con. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để khẳng định lại nhận định này.
8. Sự kết hợp giữa việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và sử dụng liệu pháp kháng virus thực sự làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus HIV qua sữa mẹ cho trẻ.
Hình 2: Tập hợp 5 yếu tố nguy cơ gây trầm cảm cho bà mẹ (stress, rối loạn giấc ngủ, đau, tổn thương tinh thần, tiền sử bị bạo hành hay chấn thương) với yếu tố nguy cơ nền tảng là hiện tượng viêm. |
9. Cho con bú và tập thể dục có thể làm giảm stress và nguy cơ trầm cảm cho mẹ.
Các quan niệm cũ cho rằng hiện tượng viêm chỉ đơn giản là một trong nhiều yếu tố nguy cơ gây ra trầm cảm. Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học đã chứng minh được rằng hiện tượng viêm không chỉ đơn giản là một trong các yếu tố nguy cơ mà chính nó là yếu tố nguy cơ nền tảng gây ra các yếu tố nguy cơ khác. Điều này còn đặc biệt đúng ở hiện tượng trầm cảm sau sinh.
Kendall-Tackett khẳng định phụ nữ trong và sau khi mang thai đặc biệt nhạy cảm với tác động gây viêm, bởi vì các yếu tố cytokine tiền viêm tăng lên trong 3 tháng cuối thai kì, cũng chính là cao điểm mà họ có nguy cơ bị trầm cảm. Nuôi con bằng sữa mẹ là một yếu tố bảo vệ vì nó giảm stress và điều hòa phản ứng viêm của cơ thể.
10. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng: Các bà mẹ có biết rằng một phiên bản điện tử của dịch vụ vú nuôi đang được chia sẻ và quảng cáo rộng khắp trên mạng internet?
Theo Biomed Central (Tổng hợp từ tạp chí khoa học nuôi con bằng sữa mẹ quốc tế - International Breastfeeding Journal)
Soạn dịch: Nhóm Online Research Club – www.onlineresearchclub.org
Nguyễn Phước Long (Đại học Y Dược TP.HCM), Bùi Thế Hưng (Đại học Y Dược TP.HCM), Nguyễn Tiến Huy (Đại học Nagasaki, Nhật Bản).