Điểm chuẩn tăng vùn vụt

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:37, 20/08/2015

Điểm trúng tuyển dự kiến của nhiều trường ĐH tăng mạnh trong những ngày cuối hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Với trên dưới 20 điểm, cửa vào trường tốp giữa vẫn còn rộng cho thí sinh

Chiều 19.8, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí, Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết tại trường cứ sau 3 ngày thì điểm trúng tuyển tạm thời tăng 0,5 điểm nhưng những ngày cuối thì chỉ trong 1 ngày đã tăng 0,5 điểm.

Mệt mỏi chuyện nộp - rút

“Điểm tăng nhanh như giá vàng và không có ngành nào điểm chuẩn dự kiến hạ” - ông Long hài hước so sánh và thông tin thêm trong ngày, trường nhận 400 hồ sơ nộp vào và hơn 500 hồ sơ rút ra; điểm trúng tuyển dự kiến cao nhất là ngành công nghệ thông tin (22 điểm), thấp nhất là ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (20 điểm).

Diem chuan, vun vut, thi sinh
Thí sinh và phụ huynh tập trung tại ĐH Huế để rút và nộp hồ sơ xét tuyển ĐH Ảnh: Quang Nhật

Trường ĐH Ngoại thương cũng có mức điểm trúng tuyển tạm thời tăng 0,25 so với ngày trước đó. Trường ĐH Dược Hà Nội dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển hệ ĐH chính quy là 26,5. Thống kê đến cuối ngày của trường này cho thấy điểm trúng tuyển dự kiến ngành y đa khoa là 27,5 (thêm những tiêu chí xét tuyển phụ như môn toán phải từ 9 điểm trở lên). Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến điểm chuẩn dự kiến vào trường từ 21,5 và ngành cao nhất là kế toán (dự kiến 25,75 điểm).

Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải dự kiến điểm trúng tuyển đợt 1 chỉ là 15 cho tất cả ngành đào tạo. Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Công đoàn cũng đều cho biết những ngày gần đây, số lượng thí sinh tới nộp hồ sơ tăng mạnh.

ĐH Huế cũng cho biết 19.8 là ngày có số lượng thí sinh tập trung rút và nộp hồ sơ đông nhất từ trước đến nay mặc dù hôm nay mới hết hạn rút và nộp hồ sơ xét tuyển. Nhiều thí sinh lo lắng vì nộp hồ sơ từ sớm nhưng chưa thấy gọi tên. Ông Phạm Thanh Tùng (ngụ Quảng Nam) cùng con gái là Phạm Thị Thanh Trinh đến ĐH Huế từ sáng sớm để rút hồ sơ. Ông lo lắng: “Con gái tôi được 26 điểm, nộp hồ sơ vào ngành y đa khoa của ĐH Y Dược Huế từ nhiều ngày trước. Chiều qua, xem danh sách cập nhật trên mạng thấy không còn nằm trong danh sách 600 chỉ tiêu nên cha con lên xe đò từ sáng sớm để ra TP. Huế rút hồ sơ, mong sớm rút được để còn vào ĐH Đà Nẵng nộp vì ngày mai hết hạn”.

ĐH Huế cho biết đã có khoảng 17.000 hồ sơ nộp vào và khoảng 3.000 thí sinh rút hồ sơ. Nhiều trường hợp đến rút hồ sơ nhưng ĐH Huế giải quyết chậm là vì những hồ sơ đó nộp qua đường bưu điện nên nhiều trường hợp chưa kịp cập nhật số liệu vào máy tính.

ĐH Đà Nẵng có hơn 20.000 hồ sơ nộp vào và 6.000 hồ sơ rút ra. Trong 3 ngày gần đây, mỗi ngày có từ 1.200 đến 1.500 hồ sơ nộp vào, số lượng hồ sơ rút ra cũng trên 800 lượt. Nhiều phụ huynh và thí sinh khá mệt mỏi trước việc nộp và rút hồ sơ.

Tại TP.HCM, trong lúc Trường ĐH Kinh tế không có nhiều thí sinh đến nộp hồ sơ như cách đây 1 tuần thì số thí sinh đến Trường ĐH Tài chính-Marketing rút hồ sơ cũng nhiều hơn là nộp. Đến 15 giờ, có 375 thí sinh đến Trường ĐH Tài chính-Marketing rút hồ sơ trong khi chỉ 329 thí sinh nộp vào. Trường cho biết ở những ngành có ít thí sinh quan tâm và điểm thấp trong thời gian đầu nộp hồ sơ như ngành tài chính ngân hàng thì nay lại là tâm điểm chú ý của thí sinh, vì vậy điểm tăng mạnh.

Vội rút dễ gặp rủi ro

Theo dự báo của các chuyên gia, hôm nay (20.8), ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1, thí sinh sẽ chạy nước rút để tìm cơ hội cuối cùng, đặc biệt là thí sinh ở mức trên dưới 20 điểm. Ông Mạc Văn Tạo, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cảnh báo nhiều thí sinh đủ điểm đỗ nhưng không kiên trì, vội vàng rút hồ sơ nộp vào trường khác thì cuối cùng có thể trượt. Việc rút, nộp hồ sơ vào ngày cuối dễ gặp phải những rủi ro nhất định. Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, cũng cho rằng thí sinh phải kiên trì, không nên hùa theo tâm lý đám đông, nếu cứ ào ào rút hồ sơ sẽ có nguy cơ trượt ĐH.

Với mức điểm trên dưới 20, thí sinh vẫn còn rất rộng cửa vào những trường tốp giữa. Chẳng hạn, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường có rất nhiều ngành thiếu hồ sơ. Cụ thể, ngành quản lý biển tuyển 60 chỉ tiêu, hiện mới có 2 hồ sơ đăng ký; ngành thủy văn có 12 hồ sơ trên 120 chỉ tiêu, ngành kỹ thuật trắc địa bản đồ có 6 hồ sơ trên 180 chỉ tiêu, ngành khí tượng học có 19 hồ sơ trên 60 chỉ tiêu... Tương tự, các trường ĐH vùng cũng rơi vào trình trạng thiếu thí sinh.

Đến tối 19.8, Trường ĐH Tài chính-Quản trị kinh doanh mới có hơn 200 hồ sơ trong khi chỉ tiêu lên đến hàng ngàn...

Chặn tiêu cực

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ 17 giờ ngày 20 đến 18 giờ ngày 22.8, hệ thống phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạm thời không cung cấp dữ liệu của thí sinh cho các trường. Trong khoảng thời gian này, các trường phải tổng hợp, kiểm tra, rà soát kỹ dữ liệu và công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành của trường trước 18 giờ ngày 21.8. Cùng thời điểm này, bộ cũng yêu cầu các trường cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ đăng ký xét tuyển khỏi trường.

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc này nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch về thông tin đăng ký xét tuyển, tránh tình trạng tiêu cực có thể xảy ra như chèn thêm hồ sơ sau khi kết thúc thời gian xét tuyển. Trước ngày 25-8, các trường chạy phần mềm xét tuyển để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển, công bố và cập nhật lên hệ thống danh sách trúng tuyển.

Theo nhóm PV/Báo NLĐ

Một Thế Giới