“Cúc vũ trụ” đơm hoa trên Trạm Không gian Quốc tế

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:26, 22/01/2016

Các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) đã trồng thành công lứa hoa cúc đầu tiên ngoài vũ trụ.

Tấm hình một hoa cúc màu cam được phi hành gia Mỹ Scott Kelly đăng trên tweeter cùng với câu “cũng có sự sống khác ngoài không gian”, sau khi đã cứu sống lứa “cúc vũ trụ” khỏi nấm mốc do độ ẩm trên trạm ISS cao gây ra.

Các hoa cúc này là một phần trong dự án trồng cây lương thực ngoài vũ trụ bằng hệ thống Veggie, được NASA lắp đặt lên ISS vào tháng 4.2014. Hệ thống này sử dụng phương pháp trồng cây không cần đất. Chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây qua một lớp không khí và sương nhân tạo. NASA cho biết phương pháp này tiết kiệm được nước và phân bón, không cần thuốc trừ sâu, cây ít bị bệnh và phát triển nhanh hơn gấp 3 lần so với cách trồng trong đất.

Trước đó, rau xà lách cũng được các phi hành gia trên ISS trồng thành công áp dụng hệ thống Veggie. Dự định cà chua cũng sẽ được trồng vào năm 2017. NASA cho biết mục đích cuối cùng của hệ thống này là tạo ra được “nguồn lương thực bền vững” cho những chuyến du hành vũ trụ xa hơn như thám hiểm sao Hỏa.

Tuy nhiên, cúc không phải là loài hoa đầu tiên nở ngoài vũ trụ. Năm 2012 cũng trên trạm ISS, phi hành gia người Mỹ Don Petitt đã trồng thí nghiệm thành công hoa hướng dương, bí và bông cải trong những bọc kín khí. Thí nghiệm cá nhân này được Petitt ghi chép lại và đăng trên trang blog “Nhật ký của bông bí ngoài vũ trụ”, theo CNN.

Dự án Veggie cũng sẽ cho các chuyên gia biết những thông tin cần thiết cho các chuyến thám hiểm sao Hỏa trong tương lai, như lịch tưới nước cho cây và cách ứng phó với nấm mốc ngoài không gian, theo Alexandra Whitmire thuộc chương trình nghiên cứu về con người của NASA.

“Trong những chuyến du hành không gian dài hơn, thực vật sẽ đóng vai trò quan trọng khi phi hành đoàn cách rất xa Trái Đất”, Whitmore nói. Việc trồng cây cũng sẽ có lợi về mặt tâm lý cho phi hành đoàn trong lúc cô đơn và bị cách ly trong một “môi trường nhân tạo”.

Cúc được xem là một trong những loại cây dễ sống nhất trên trái đất. Tuy nhiên, mức phóng xạ cao và sự chênh lệch nhiệt độ lớn ngoài vũ trụ khiến việc trồng cây trong điều kiện trọng lực thấp không đơn giản.

Giáo sư Dhiren Kataria, chuyên gia chế tạo các công cụ vũ  trụ thuộc Đại học Luân Đôn, cho biết, thành công trồng được bông cúc là một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một hệ môi trường bền vững ngoài không gian. “Có hoa nghĩa là có quá trình thụ phấn. Để tạo ra một hệ môi trường bền vững, việc thụ phấn chéo giữa các loài là cần thiết”.

Tuấn Anh (theo The Guardian, CNN)

Một Thế Giới