Tại sao con người không sống được trên sao Thiên vương lung linh và khác biệt?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:14, 27/09/2015

Sao Thiên vương là hành tinh thứ 7 tính từ tâm hệ mặt trời ra. Từ Trái đất, chúng ta có thể nhìn thấy nó mờ mờ trong điều kiện lý tưởng là trời tối và biết vị trí của nó ở đâu. Đó là một hành tinh lung linh và khác biệt.
Kỳ 1: Tại sao con người không thể sống trên sao Mộc vĩ đại?
Kỳ 2Tại sao con người không thể sống trên sao Thổ duyên dáng?
Người ta liệt sao Thiên vương là một dạng hành tinh khí khổng lồ. Tuy nhiên, tính chất cấu tạo của nó lại hoàn toàn khác so với hai hành tinh khí siêu khổng lồ là sao Mộc và sao Thổ. Nếu sao Mộc và Thổ có cấu tạo chủ yếu là khí thì thành phần chính của sao Thiên vương là băng.

Hành tinh này gồm có lõi khá nhỏ với khối lượng chỉ bằng một nửa so với Trái đất. Trong khi đó, lớp băng pha đá chiếm khối lượng tương đương hơn 13 lần trái đất và lớp khí chiếm 20% đường kính hành tinh cũng chỉ có khối lượng khoảng  một nửa khối lượng Trái đất.

Hành tinh này rất lung linh nếu ta có thể ngắm nhìn nó ở khoảng cách 1-2 triệu cây số. Nó là một quả cầu có màu lơ như nền trời xanh lơ. Và thật trùng hợp khi tên quốc tế của sao Thiên vương là Uranus, vị thần của bầu trời trong thần thoại Hy Lạp. Màu xanh lơ của sao Thiên vương thật ra là do bầu khí quyển giàu khí mê tan tạo ra.

Còn vì sao nói sao Thiên vương là hành tinh khác biệt là do độ nghiêng của trục xoay. Tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời đều có trục vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo (mặt phẳng chứa quỹ đạo quay quanh mặt trời của các hành tinh). Riêng trục sao Thiên vương lại gần như song song với mặt phẳng Hoàng đạo.

Vì là hành tinh khí thuộc dạng băng đá nên con người không thể ở trên đó được. Hơn nữa do sao Thiên vương ở cách mặt trời 20 đơn vị thiên văn hay 20 lần so với mặt trời tới Trái đất nên nhiệt lượng nhận được trên một đơn vị diện tích bề mặt chỉ bằng 1/400 so với Trái đất. Nội nhiệt của sao Thiên vương phát ra thuộc loại thấp nhất hệ mặt trời nên bầu khí quyển của sao Thiên vương lạnh lẽo nhất hệ mật trời, còn lạnh hơn cả Hải vương tinh.

Nhưng cứ giả sử rằng sao Thiên vương có điều kiện lý tưởng như Trái đất đi thì con người cũng khó sống ở đó. Vấn đề chính ở chỗ là cái trục khác biệt của nó khiến sao Thiên vương khó ở. Vì xoay trục kiểu nằm ngang với mặt phẳng hoàng đạo nên mỗi cực của Thiên Vương được nửa năm chiếu sáng liên tục và nửa năm chìm trong bóng tối. Một năm trên sao Thiên vương lại bằng 84 năm trên Trái đất. Khi đó, cuộc sống còn tệ hơn ở Nam Cực hay Bắc cực ở Trái đất.

Anh Tú

Một Thế Giới