Trí thức hết giờ lại chạy chợ: Tương lai mù mịt
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:16, 28/09/2015
Bắt đầu từ một chia sẻ của một nữ độc giả là giảng viên gần đây, về việc chị có nên đi… bán xôi để tăng thêm thu nhập bên cạnh đồng lương ít ỏi hay không, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Nếu ngày càng có nhiều giảng viên bán xôi?
Tuy nhiên, tôi cho rằng các tranh luận này đang đi quá xa câu hỏi của nữ giảng viên kia. Việc giáo sư không có sáng chế, nông dân lại làm ra máy móc hay sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp giữa nhóm người có học vấn ngày một gia tăng thuộc một vấn đề khác, và vấn đề đó sẽ không được cải thiện nếu việc ngày càng có nhiều giảng viên phải đi bán xôi.
Thực chất của câu chuyện này lại là vấn đề khác, có lẽ đơn giản hơn rất nhiều, đó là vấn đề nghề tay trái.
Tôi đồng ý rằng nếu một người rơi vào trường hợp: (1) Thu nhập không đủ để trang trải cho cuộc sống. (2) Có những nhu cầu cao hơn mức thông thường mà công việc chính không thể đáp ứng thì họ cần làm thêm những công việc khác. Và khi đó chỉ cần họ lao động chân chính thì không có gì phải hổ thẹn với những nghề tay trái của mình cả.
Song nếu hỏi tôi rằng giảng viên đại học có nên đi bán xôi không, tôi sẽ trả lời rằng không. Vấn đề không phải vì công việc này thấp hèn, công việc kia cao quý mà nó xuất phát từ một nguyên tắc cơ bản: Người lao động phải được trả lương đủ để tái sản xuất sức lao động, chăm lo cho nhu cầu của bản thân và gia đình, đồng thời có tích lũy.
Tại sao chúng ta lại tung hô việc một người phải chạy vài, ba nghề, không phải để làm giàu mà chỉ để đủ trang trải cho cuộc sống? Thiết nghĩ ai cũng thừa hiểu và không cần lên lớp cho nhau câu “lúc đói đầu gối phải bò”; nhưng hãy tự hỏi liệu việc những người lao động như chúng ta phải gồng lên như thế là điều hợp lý hay phi lý?
Tôi không hiểu tại sao có những độc giả kể lại câu chuyện của những năm trước và sau đổi mới, khi những thầy cô giáo ngoài giờ lên lớp hăng say nấu cám lợn, chăm sóc luống rau để tăng gia, và lấy đó làm bài học cho tầng lớp trí thức hôm nay. Xin được nói thẳng rằng đây là lối tư duy giật lùi.
Không nên hô hào nhau chấp nhận mức lương ba cọc ba đồng như một điều tất yếu và nai lưng đi làm ngoài giờ những việc không liên quan gì tới chuyên môn cho đủ sống. (Vẫn xin lưu ý rằng tình huống mà nữ giảng viên kia đưa ra là vợ chồng chị đang gặp khó khăn để trang trải cho cuộc sống; còn nếu vì muốn giàu có hơn, muốn thỏa mãn những nhu cầu cao hơn thì việc nỗ lực gấp đôi, gấp ba lại là dĩ nhiên).
Như thế, đa số các ý kiến mới chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn, đó là ủng hộ việc làm nghề tay trái để kiếm sống. Nhưng chưa ai nói đến vấn đề dài hạn: Tương lai của xã hội sẽ ra sao nếu một đội ngũ trí thức cứ hết giờ làm lại đi chạy chợ, bán xôi? Dù đó đều là những nghề chân chính, nhưng nếu thật sự có một ngày như thế thì đó là một tương lai mù mịt.
Tại sao lại mù mịt? Hãy nhìn sang những nước tiên tiến, nơi các giáo sư đại học có thể sống đàng hoàng bằng lương của họ. Điều đó thúc giục chúng ta phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho giảng viên và đội ngũ trí thức (song song với việc đòi hỏi họ nâng cao trình độ) chứ không nên kéo lùi sự phát triển bằng cách khuyên họ làm việc gì cũng được miễn là lương thiện.
Tất nhiên cũng nên nhìn nhận khái niệm nghề một cách rộng hơn. Là giảng viên đại học, công việc không chỉ có giảng dạy. Họ có thể viết báo, viết sách, tham gia các dự án nghiên cứu, hợp tác với doanh nghiệp, tư vấn trong lĩnh vực chuyên môn của mình... Đó là những công việc vận dụng được trình độ của họ, có ích cho xã hội, bổ sung kiến thức thực tiễn cho công tác giảng dạy. Đây cũng là mô hình mà các nước tiên tiến đã và đang thực hiện. Xét trên tổng thể, đây vẫn là nghề “tay phải” chứ không phải “tay trái”.
Do đó, trong dài hạn, các trường đại học cần tạo thêm công việc phù hợp cho giảng viên cũng như xây dựng cơ chế linh hoạt hơn để giảng viên có thể thực hiện những công việc trong và ngoài nhà trường liên quan tới chuyên môn. Cách thức quản lý nhân sự nặng tính hành chính và trả lương theo thang bậc hiện nay là một trong các nguyên nhân căn bản dẫn tới thu nhập thấp của giảng viên. Để rồi họ phải lăn lộn làm thêm những việc xa rời chuyên môn; thậm chí “kiếm thêm” thông qua hành vi tiêu cực là điều hết sức đáng lo ngại.
Tựu chung lại, làm thêm nghề tay trái để đủ sống có thể cần thiết trong ngắn hạn nhưng không nên khuyến khích trong dài hạn. Không có công việc nào thấp kém nhưng nghề nghiệp về nguyên tắc phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Cả người lao động, giới chủ và nhà nước đều cần ý thức được và hướng tới mục tiêu này. Đi ngược lại mục tiêu đó là đi ngược lại sự phát triển.
Khương Duy/Vietnamnet