Hỗn tạp thị trường sách tham khảo
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:45, 06/09/2015
Năm nay, sau lễ khai giảng có phần nhẹ nhõm với phần “lễ” được rút gọn tối đa, bớt đi những nghi thức “kính thưa, kính gửi” dài dằng dặc như mọi năm; các em học sinh và gia đình họ lại trở lại cuộc sống thường nhật đầy lo âu của một năm học mới.
Mà cái lo đầu tiên dĩ nhiên là “tái cơ cấu” ngân quỹ để sắm tươm tất cho con mình sách vở, dụng cụ học tập... trong đó phải kể đến sách tham khảo (STK), giống như món khai vị không thể không có trong bữa tiệc thịnh soạn, đánh dấu một cột mốc trong đời. Nhưng chọn gì giữa mê hồn trận sách cần tham khảo? Theo tính toán sơ sơ ở các nhà sách, chỉ riêng cấp tiểu học cũng có trên 100 đầu sách; các cấp THCS và THPT góp vào khoảng 500 đầu sách nữa? Và chọn sao để tiền có mất mà không sanh bệnh; không xa rời những tiêu chí của đổi mới giáo dục đòi hỏi học sinh cần tăng cường vận dụng kiến thức vào thực tiễn?
Phải nói rằng số tiền phụ huynh bỏ ra mua các bộ STK là không hề nhỏ, khi giá bán thường cao gấp 3-5 lần so với sách giáo khoa thông thường, chính là khoản thu béo bở với các nhà xuất bản. Song “lượng” này có đi đôi với “chất” hay không thì lại là một câu chuyện khác.
Vừa rồi dư luận lên tiếng quanh nội dung cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” do TS Phan Quốc Việt làm chủ biên với bài học đi trên thủy tinh để rèn luyện... lòng dũng cảm. Tuy sau đó NXB Giáo dục Việt Nam có lên tiếng nhận trách nhiệm trong khâu biên tập nội dung dẫn đến sự “đáng tiếc” trên, nhưng vì đó là STK nên dường như “hạt sạn” của NXB vốn là con đẻ của Bộ GD-ĐT lại khiến mọi người hoang mang như đang lạc lối trong sa mạc STK.
NXB Giáo dục Việt Nam có doanh thu khủng nhất trong tốp 4 NXB hàng đầu nhưng lợi nhuận lại chỉ đứng hàng thứ 3, ngang với các NXB có tầm vóc và quy mô khiêm tốn hơn nhiều như NXB Trẻ. Trước đó, là vụ phát hiện ra lô sách giáo khoa in lậu “khủng” ở một địa phương và rồi sự việc cũng chìm vào quên lãng khi vỡ lẽ cái “lậu” này cũng là “lậu” thường thôi vì nội bộ NXB tuồn ra bản kẽm để in bên ngoài cho đỡ “chi phí”. Nhưng đó chỉ là rối rắm trong mê cung xuất bản, đáng ngại hơn là nội dung nhiều chỗ không những không phù hợp mà còn hết sức phản cảm.
Có khá nhiều dẫn chứng về việc này, như trong trào lưu dạy kỹ năng sống nở rộ vào tháng 11.2014, trên thị trường lập tức xuất hiện cuốn sách “Hỏi - đáp nhanh trí” do Đức Trí sưu tầm biên soạn (NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành) với nhiều hình ảnh và ngôn từ đậm chất bạo lực không hợp với tuổi học trò. Trang 29 cuốn sách này có nội dung trắc nghiệm “anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?”. Minh họa cho câu hỏi là 1 người đàn ông đang nằm trên máy chém với khuôn mặt sợ hãi. Tương tự là câu hỏi khác: “Một người sau khi bị chặt đầu sẽ như thế nào?”. Đáp: “Biến đổi chiều cao”.
Sự ngờ vực về giá trị giáo dục của khá nhiều cuốn sách dạng như thế này đang khiến dư luận băn khoăn về động cơ thực sự của hàng loạt NXB trong trọng trách nuôi dưỡng tâm hồn và giáo dục thế hệ trẻ. Các NXB nhỏ bé thì đổ cho lỗi liên kết xuất bản để “duy trì hoạt động” của bộ máy nên nó mới ra nông nỗi đó. Nhưng các NXB khác vốn không bao giờ phải dựa vào đối tác liên kết - và thậm chí không bao giờ phải sợ hệ thống phát hành - như cỡ NXB Giáo dục Việt Nam thì chỉ có thể trách mình đã không hoàn thành trách nhiệm được giao phó.
Cũng không thể phủ nhận mặt tích cực của STK trong dạy và học ở nhà trường như cung cấp thêm thông tin, mở rộng kiến thức, kỹ năng, trình độ năng lực học sinh, nhưng phải kiên quyết ngăn chặn mặt trái “thị trường hóa”, dẹp bỏ những loại sách không đúng chuẩn mực giáo dục. Ngoài việc các NXB nêu cao trách nhiệm trong việc biên soạn nội dung, thẩm định các nội dung thì yếu tố gia đình và giáo viên giữ vai trò quan trọng, trong đó giáo viên là “chốt chặn” hữu hiệu nhất. Hơn ai hết, giáo viên hiêu rõ năng lực, sở trường từng học sinh của mình để tham vấn sử dụng các STK khác nhau.
Trong thực tế có khá nhiều người thầy đứng lớp còn đi xa hơn nữa, khi không những hướng dẫn sử dụng STK có trên thị trường mà còn tự mình tạo ra “ấn phẩm” STK riêng hiệu quả, như TPHCM tổ chức biên soạn riêng bộ tài liệu dạy môn vật lý từ lớp 6 đến lớp 8 được phản hồi khá tích cực. Chung quy, sách giáo khoa chỉ là căn cứ pháp lý chứ không thể đóng khung bài giảng của giáo viên. Nhiều thầy cô đã tự tìm kiếm tư liệu bên ngoài đế bồi đắp vào bài giảng và dần dần làm bộ tài liệu giảng dạy có chất lượng, trở thành giáo án chung của toàn trường. Dó cũng là một cách làm hay cần nhân rộng trong xu hướng một chương trình phổ thông với nhiều bộ sách giáo khoa mà chúng ta đang thực hiện.
Có sách để góp phần tạo ra nhiều nhân tài, nhưng cũng có sách chỉ cung cấp kiến thức tối giản để vào đời. Và cần hơn cả là tấm lòng của những người viết sách giáo dục và nhất là cơ quan quản lý nhà nước cần định rõ “biên độ” mở cho những người thật sự có tâm, có tầm, có tài làm sách cho học sinh phổ thông để không còn tình trạng hỗn tạp như ở thị trường STK hiện giờ.
Theo Bích An/ Sài Gòn Giải phóng