Việc dẫm lên mảnh chai thử thách lòng dũng cảm không có gì nguy hiểm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:17, 24/08/2015
Mới đây, cuốn sách dạy kỹ năng sống và hình ảnh học sinh ở Hà Nội được tập đi qua tấm thảm rải đầy những mảnh thủy tinh để rèn luyện lòng dũng cảm khiến nhiều người và phụ huynh không khỏi rùng mình phản đối.
Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phan Quốc Việt, Phó chủ tịch hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng chính là người chủ biên các cuốn sách Rèn luyện kỹ năng sống lớp 1 và lớp 6 gây xôn xao.
Thưa thầy, trong cuốn sách "Thực hành kỹ nắng sống cho học sinh lớp 1" có bài tập thực hành để học sinh đi trên mảnh thủy tinh để rèn luyện sự dũng cảm do thầy làm chủ biên. Thầy cho biết lý do nào thầy chọn bài thực hành này cho học sinh lớp 1?
Đầu tiên khi phụ huynh muốn con có những kỹ năng trong những năm tháng đầu đời, chúng ta cho các con tập bơi, tập võ. Nếu chỉ vì sợ nguy hiểm thì chúng ta có cho con đi tập không? Việc đi trên những mảnh thủy tinh có thể gây chết người không? Không hề. mảnh thủy tinh không hề gây chết người. Còn việc an toàn chúng ta sẽ tính đến phương án sau.
Chúng tôi tạo ra những bài kỹ năng sống để trẻ em đối diện với những đổ vỡ, trong cuộc sống của các em, các em sẽ phải đối diện với những việc xã hội như nhìn thấy mảnh thủy tinh vỡ, nhà đổ, kính bị đập... thì lúc này điều quan trọng nhất của các em là phải bình tĩnh. Các em hoàn toàn có thể bước qua hoặc tìm cách tránh đi nếu thật sự cảm thấy nguy hiểm. Bài học ở đây chúng tôi muốn truyền tải đến với các em chính là đối diện với sự sợ hãi, đối diện với những khó khăn và dũng cảm bước qua nó. Những mảnh vỡ thủy tinh không có gì là quá nguy hiểm nếu như ta biết cách xử trí và bình tĩnh bước trên nó.
Liệu đó có phải là mạo hiểm không, thưa thầy?
Đó hoàn toàn không phải là mạo hiểm. Nếu như bình thường, không có ai tự nhiên đạp lên thủy tinh mà đi cả. Cái việc chúng ta muốn hướng tới đó chính là biết đối diện với vấn đề để xử lý vì nó không hề có nguy hiểm gì cả, không nên co rúm lại và tìm cách trốn tránh.
Về mặt lý thuyết, khi ta tạo ra các mảnh thủy tinh bằng bao diêm và đổ dày khoảng 5cm thì khi các mảnh có mũi nhọn nổi lên thì thiết diện nó sẽ bé lại và áp suất lớn, nó sẽ bị đè xuống. Còn những mảnh nào to thì nó nổi lên, thiết diện bé, áp suất lớn của nó sẽ nằm lại thì học sinh bước trên đó sẽ rất êm. Các thầy cô lúc nào cũng dùng những băng dính để dính lại những mảnh rất nhỏ như vậy đi trên thảm thủy tinh sẽ không bị đau, thậm chí còn êm chân.
Chúng tôi đã thử thực hành cho các con chọn bước đi trên thảm thủy tinh hoặc bước đi trên những viên đá sỏi. Thì đa số học sinh đều chọn đi trên thảm rải sỏi chứ không chọn đi trên thủy tinh. Nhưng sau khi thực hành xong, các em bước đi trên sỏi đều cho rằng đi trên sỏi rất đau chân. Còn những em bước đi trên mảnh thủy tinh thì lại cảm thấy khá thoải mái vì bước êm chứ không bị đau rát như mọi người tưởng tượng và nghĩ.
Tôi đã thực hành và thử nghiệm nhiều lần, giảng dạy 10 năm nay nhưng chưa có một trường hợp nào báo về là họ gặp khó khăn hay có vấn đề nguy hiểm gì khi dạy kỹ năng sống cho các con cả. Đó chính là bài học về quản trị cảm xúc trên thực tế chứ không phải là "nhìn thấy", "cảm thấy".
Được biết cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 - tái bản năm 2015 này đã không có bài thực hành này. Vậy phải chăng thầy cho rằng bài học này khá nguy hiểm?
Tôi xin nhắc lại là không có sự nguy hiểm nào ở đây cả. Vấn đề là định hướng của Bộ giáo dục và Đào tạo theo thông tư 30 là phải chọn bài tập, chọn các kỹ năng dạy học sinh theo hướng nào thì chúng tôi sẽ chọn theo hướng đó để giảng dạy học sinh. Nghĩa là mỗi năm Bộ giáo dục luôn phải đổi mới và chúng tôi cũng phải đổi mới theo để đáp ứng, phù hợp với tình hình thực tế theo đúng yêu cầu của Bộ giáo dục.
Cảm ơn thầy về những chia sẻ.