Mua bán chứng chỉ tin học, ngoại ngữ: Lập lờ đánh lận con đen
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:31, 06/08/2015
Tiền trao cháo múc
Trịnh Thị Thắm, tốt nghiệp Cao đẳng thương mại mà du lịch Hà Nội với bằng khá nhưng vẫn chưa xin được việc vì nhà tuyển dụng yêu cầu thêm khả năng tin học và ngoại ngữ. Tưởng phải mất thêm nhiều thời gian để học, nhưng chưa đến 1 tuần sau, Thắm đã có trong tay hai chứng chỉ tin học và tiếng anh theo yêu cầu.
Thắm cho biết: “Em đi mua ở trung tâm, giá cũng “mềm” mà lại có ngay. Chứ giờ, em không thể có thời gian đi học, mà dù có thời gian thì học cũng chẳng vào nổi”. Thắm cho biết thêm, sinh viên của rất nhiều trường đại học, cao đẳng cũng dùng cách này để tiết kiệm thời gian và chi phí mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Những lời rao làm chứng chỉ đầy rẫy trên mạng |
Theo thông tin tin Tùng cho biết, chứng chỉ tin học có giá 100 nghìn, ngoại ngữ 150 nghìn. Nếu làm cả hai thì chỉ lấy giá 220 nghìn, xếp loại nào tùy thích, giá tiền như nhau. Đây là loại do trung tâm tin học, ngoại ngữ cấp còn loại chứng chỉ do Bộ Giáo dục cấp cần có nhiều tiền hơn.
Cụ thể, giá trọn gói cho 2 tấm chứng chỉ ở mức 1 triệu đồng. Theo Tùng, chứng chỉ này thật 99% vì làm theo phôi của Bộ Giáo dục. Dùng chứng chỉ này có thể công chứng, xin việc, thi công chức. Nhìn bên ngoài không ai có thể phát hiện được.
Tùng cho biết, chỉ cần đưa hai ảnh 3x4 và chứng minh thư thì chỉ vài ngày là có thể cầm chứng chỉ trong tay.
Khác với nhiều trung tâm khác, khi hỏi địa chỉ thì Tùng sẽ hẹn khách hàng ở một địa điểm nào đó để mang đến, nhận bằng rồi trả tiền, sau đó hai bên hết trách nhiệm với nhau.
Theo Đào Văn Dũng, sinh viên đại học Bách khoa từng có thời gian làm cộng tác viên chứng chỉ hưởng hoa hồng, lúc nào trung tâm dạng này cũng chuẩn bị sẵn rất nhiều chứng chỉ để trống thông tin, khi khách hàng có nhu cầu thì chỉ việc điền vào, dán ảnh, đóng dấu chìm là xong. Chứng chỉ đã có sẵn chữ ký của giám đốc trung tâm.
Một trung tâm làm chứng chỉ trên tại Nguyễn Trãi - Thanh Xuân |
Ở một nơi khác, đường Phạm Văn Đồng, trước cổng Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội – nơi được kháo nhau như “chợ” chứng chỉ. Hỏi thăm một người phụ nữ ngồi trước tấm biển đăng ký học các lớp tin học, ngoại ngữ về chuyện làm chứng chỉ, người phụ nữ này cũng đưa ra những mức giá như Chung thông báo kèm theo những lời cam đoan với giọng điệu hết sức tự tin.
Người phụ nữ này cho biết, chỉ cần ngồi nhà, chỉ trong ngày sẽ có người mang đến tận nơi. “Thời gian này, ngày nào chả có sinh viên đến đây làm, chị làm rất nhiều, đảm bảo uy tín và an toàn” – người phụ nữ cam đoan chắc nịch. Bên cạnh đó, người phụ nữ này còn chào mời thêm nhiều loại chứng chỉ khác với giá cao hơn, cho biết đó là chứng chỉ do Bộ Giáo dục cấp.
Tiếp tục liên hệ đến một địa chỉ khác, là Trung tâm hướng nghiệp và phát triển tài năng Alliaz tại Yên Hòa – Cầu Giấy, chúng tôi hỏi về chứng chỉ do Bộ Giáo dục cấp, một người tên Tuấn cho biết: “ Chứng chỉ của Bộ Giáo dục cấp bắt buộc phải thi, thi vào thứ 6 hàng tuần và có chứng chỉ vào thứ 3 tuần sau, mức giá cho chứng chỉ tiếng anh là 700 nghìn đồng, tin học 500 nghìn đồng, nếu thì cả hai thì có giá 1 triệu đồng. Chỉ cần mang ảnh và chứng minh thư đến đăng ký, chúng tôi sẽ hỗ trợ chống trượt, thi chắc chắn đậu, không cần bỏ thời gian học”.
Giá cả làm chứng chỉ ở các trung tâm không giống nhau, có dao động khoảng 10%. Tất cả các trung tâm làm chứng chỉ đều cam kết là bằng thật, “phôi” thật, chuẩn của Bộ Giáo dục. Với giọng điệu thuyết phục hết sức tự tin, các nhân viên trung tâm đã khiến khách hàng không mấy hoài nghi về những dịch vụ chui của mình.
An toàn tuyệt đối?
Chứng chỉ làm từ phôi chuẩn của Bộ Giáo dục được các trung tâm làm cho khách hàng |
Đó cũng là câu trả lời của tất cả những địa chỉ cung cấp chứng chỉ mà chúng tôi tìm hiểu. Tuy nhiên, người mua vẫn bị lừa bởi những chứng chỉ giả với giá cao, không có hồ sơ lưu trữ. Lúc đó, hậu quả sẽ rất nặng nề đối với sự nghiệp.
Nguyễn Văn Lực , sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng từng phải nhờ đến chứng chỉ tin học và ngoại ngữ khi đi xin việc ở một doanh nghiệp. Tự biết sức mình không thể có được chứng chỉ bằng cách học thật thi thật, Lực đã phải tìm đến trung tâm để mua chứng chỉ.
Với giá 900 nghìn/chứng chỉ tiếng anh, sau một kỳ thi có hỗ trợ đáp án, Lực đã có được chứng chỉ giống hệt với chứng chỉ của Bộ Giáo dục cấp. Lực cho biết: “Thấy nhiều người mách thì cũng làm thử, có lẽ mình may mắn nên khi xin vào không cần dùng đến nhiều kiến thức ngoại ngữ, chứ không thì cũng lộ tẩy rồi”.
Một điều rất dễ nhận thấy, rằng thị trường cung cấp chứng chỉ đã phát triển sôi động những năm gần đây, chứng tỏ những chứng chỉ này ít nhiều đã qua mắt được đơn vị tuyển dụng.
Với số lượng hàng vạn sinh viên, nguồn lợi thu về của những trung tâm này là không hề nhỏ. Song song với đó, câu hỏi về vai trò quản lý, về cơ sở luật pháp đối với những tấm chứng chỉ “chui’ này vẫn còn bỏ ngỏ nhiều năm nay.
Trí Lâm