Đề thi không cấu trúc, không khác biệt lớn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:05, 19/03/2015
Tranh cãi giữa các trường THPT và Bộ GD-ĐT đến chiều qua mới tạm lắng khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ giới thiệu mỗi môn thi một đề minh họa.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015 đến nay đã được thông tin gần như đầy đủ: môn thi, thời gian thi, cụm thi. Tuy nhiên, điều mà các trường THPT quan tâm nhất là cấu trúc đề thi “hai trong một” thì đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa hé lộ. “Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi cụ thể, thay vào đó sẽ công bố một số đề được thực hiện dựa trên ma trận câu hỏi để các trường tham khảo” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển phát biểu như trên tại hội nghị tuyên truyền về kỳ thi này tổ chức ở TP.HCM tuần qua.
Lo lắng
Phát biểu của Thứ trưởng Hiển được cho là gây bất ngờ cho các trường THPT. Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), cho rằng đây là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi “hai trong một” nên đề thi hoàn toàn khác trước. Nay Bộ GD-ĐT không ban hành cấu trúc đề thi cụ thể cho từng môn khiến GV và HS lo lắng vì họ không rõ định hướng ôn tập.
“GV và HS đang quen đề thi có cấu trúc như mọi năm. Năm nay thi cử lại đổi mới cập rập, cả thầy lẫn trò bị rối nên rất cần có cấu trúc đề. Bộ thông báo từ năm sau sẽ không có cấu trúc thì hay hơn. Chứ giờ mới thông báo thì quá cập rập cho các trường trong việc ôn tập cho HS” - ông Hiếu nói.
Tương tự, tại Trường THPT Gia Định (Bình Thạnh), một GV đề nghị: “Nếu không có cấu trúc đề thì ít nhất Bộ cũng phải giới hạn nội dung lại, nhất là kiến thức lớp 11 và lớp 10. Câu khó hay dễ thì ra ở mức độ nào, kiến thức từng khối lớp bao nhiêu phần trăm… Bộ nói học gì thi nấy, đề thi tương tự năm học trước càng khiến thầy trò càng lo hơn”.
Mù mờ hướng ôn thi
Ông Đoàn Nhật Quang, GV Trường THPT Tân Phong (quận 7), cho rằng điều mà GV lo lắng là nội dung đề thi có trong chương trình lớp 10 và 11 hay không. “Bộ chỉ nói đề thi chủ yếu trong lớp 12, vậy chính xác là bao nhiêu phần trăm. Chúng tôi cần biết khung kiến thức các em phải học đến đâu, nâng cao ở mức nào. Nếu cứ ôn chỉ ở lớp 12 và chỉ kiến thức cơ bản, đến khi đề thi lại khác thì đã quá muộn với các em. Có thể Bộ đưa ra cấu trúc tạm thời cho năm nay trước rồi từ từ sửa đổi cho những năm sau cũng được. Nếu không, chí ít Bộ cũng đưa ra đề mẫu cho từng môn là chúng tôi cũng yên tâm hơn rồi” - ông Quang góp ý.
Một GV dạy văn tại một trường THPT ở quận 1 thẳng thắn: “Bộ nói đổi mới thi sẽ khỏe cho trò nhưng tôi thấy ngược lại. Thầy và trò đang phải vừa học vừa ôn rất nặng và mù mờ”. Theo GV này, không có cấu trúc đề chỉ nên áp dụng khi lượng kiến thức trong sách hạn chế. Đằng này khi chưa đổi mới sách giáo khoa, lại tổ chức thi lần đầu thì nên có cấu trúc tạm thời để “nhẹ gánh” cho trò.
“Vì không có cấu trúc nên chúng tôi tạm lấy cách ôn thi ĐH như mọi năm để dạy cho các em. Hiện tôi dạy theo kiểu “thầy bói mù sờ voi”. Kiến thức văn học và xã hội quá rộng nên thầy trò cứ tập trung học được chừng nào hay chừng ấy chứ càng chờ Bộ càng mù mờ hơn” - GV này bày tỏ.
Sẽ công bố đề thi minh họa
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lý giải: Việc Bộ không đưa ra cấu trúc đề thi nhằm hướng tới việc học gì thi nấy, sẽ hạn chế được việc học tủ theo khuôn mẫu và học lệch. “Làm đề thi không phải là theo cấu trúc đề thi mà sắp tới Bộ sẽ ban hành ma trận đề thi. Cái này chúng ta học của thế giới. Trong ma trận đó sẽ có bộ các câu hỏi chia thành bốn nhóm mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng mức độ thấp và vận dụng mức độ cao. Dựa vào ma trận này, GV và HS sẽ hiểu dạng câu hỏi nào, nội dung nào, yêu cầu mức độ nào” - Thứ trưởng Hiển nói.
Tuy nhiên, trước lo lắng từ phía nhà trường, tại buổi tọa đàm trực tuyến giải đáp thắc mắc về kỳ thi quốc gia được tổ chức chiều 18-3, Thứ trưởng Hiển thông báo: “Trước đây một số đơn vị của Bộ đưa ra cấu trúc đề thi, nay để đáp ứng yêu cầu của thí sinh sắp tới Bộ sẽ giới thiệu mỗi môn một đề thi minh họa”. Tuy nhiên, đề thi minh họa nhằm cho biết độ khó chứ không phải đó là cấu trúc cố định của đề thi.
Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh đề thi năm 2015 sẽ không có sự khác biệt lớn so với năm ngoái, vì vậy thí sinh cứ yên tâm ôn tập. Ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), bổ sung đề thi sẽ có hai nhóm câu hỏi. Một nhóm tương tự như những câu trong đề tốt nghiệp, có tính đến chương trình hệ GDTX, mức độ trung bình, thậm chí hơi yếu để thí sinh có thể làm được bài và đỗ tốt nghiệp. Nhóm thứ hai dùng để phân loại thí sinh, xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thứ trưởng Hiển cũng nhấn mạnh yêu cầu của đề thi năm nay hướng đến phát triển năng lực HS, đồng thời phân hóa được trình độ các em từ thấp đến cao sao cho vừa làm cơ sở xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Bởi vậy các em không chỉ nắm kiến thức mà còn biết vận dụng, liên kết những gì đã học vào thực tiễn.
Yêu cầu HS bày tỏ chính kiến
Ngày 18-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã ký công văn gửi các Sở GD-ĐT chỉ đạo tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015.
Công văn nêu rõ: Nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Bộ GD-ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia và không có quy định bắt buộc GV, HS phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào. Việc tổ chức học thêm (nếu có) để phục vụ ôn thi phải thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính tự nguyện của HS và tính hiệu quả của nội dung dạy học.
Công văn nhấn mạnh: Các trường tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Nội dung ôn tập cần quan tâm giúp HS nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước. Đối với môn ngoại ngữ, cần nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
P.Anh - H.Hà (Pháp luật TP.HCM)