Lớp trưởng tiểu học sẽ “lên chức” chủ tịch hội đồng tự quản?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:40, 16/07/2015
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới theo định hướng của thông tư 30 (về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học) và mô hình trường học mới, trong đó có quy định lớp trưởng tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.
Theo dự thảo này, học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học chia thành các tổ, ban hoặc nhóm học sinh, trong đó có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký.
Dự thảo điều lệ trường tiểu học mới cũng quy định tăng quyền của học sinh, trong đó nhấn mạnh các em được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.
Học sinh được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về việc xây dựng nhà trường và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của học sinh; được chăm sóc và giáo dục hoà nhập (đối với học sinh khuyết tật) theo quy định.
Dự thảo đưa ra nhiều quy định theo tinh thần của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học. Khác với trước, trường tiểu học phải tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện, không tập trung vào kết quả đánh giá cuối kì, cuối năm. Hiệu trưởng trường tiểu học xác nhận trong học bạ Hoàn thành chương trình tiểu học; kết quả đánh giá của học sinh được tổ chức bàn giao cho trường trung học cơ sở cùng địa bàn.
Học sinh có tiến bộ vượt bậc, có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện được nhà trường và các cấp quản lí giáo dục khen thưởng theo các hình thức: Khen trước lớp; Khen trước toàn trường; Tặng giấy khen.
Đối với học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên học sinh trước cả lớp và tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; Thông báo với gia đình nhằm giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Đánh giá về dự thảo trên, dư luận cho rằng vẫn còn nhiều điểm của dự thảo này chưa phù hợp với thực tế.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, cô Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP.HCM), cho rằng: “Việc đưa những yếu tố của hội đồng tự quản vào lớp học nhằm xây dựng sự tự chủ, chủ động và dân chủ ở HS ngay từ lứa tuổi nhỏ. Các em được tham gia bầu chọn và đảm nhiệm các vai trò trong lớp học để tăng sự tự tin và trách nhiệm công việc. Con số 35 HS/lớp dù chưa thật sự phù hợp với thực tế, nhưng điều này sẽ đòi hỏi ngành giáo dục tăng cường cơ sở vật chất trường lớp để đáp ứng được yêu cầu. Bởi ở nước ngoài, số lượng HS không quá 30 em/lớp, nhờ vậy chất lượng giáo dục tốt hơn chúng ta nhiều”.
Anh Hồ Quốc Chương, một phụ huynh học sinh cho rằng: "Người lớn đừng quan trọng hóa vấn đề như vậy chỉ rắc rối hơn mà thôi, cháu tôi học trường Quốc tế, ở cấp Tiểu học mỗi tháng bầu lớp trưởng 1 lần, qua đó các cháu sẽ tự nhận xét lẫn nhau và tự bầu người mình chọn (có thể tự ứng cử nếu mình tự tin), qua đó các cháu cũng có dịp nhìn lại mình để tiến bộ hơn, rất vui vẻ và tự giác, người lớn không can thiệp sâu vào, giáo viên chỉ theo dõi, và định hướng mà thôi. Mọi việc rất nhẹ nhàng thoải mái như một trò chơi có tính giáo dục."
Một bạn đọc có nickname là Xinh nhận định: ”Mỗi lớp học không quá 35 HS là điều không tưởng ở TP.HCM. Hiện nay nhiều trường đã phải quay trở lại việc học 1 buổi/ngày với sĩ số trung bình 45-50 HS/lớp. Ngoài ra, đối với HS tiểu học mà dùng từ chủ tịch nghe lớn lao quá và dễ khiến các em ảo tưởng về quyền lực”.
Lê Vy(tổng hợp)