Học sinh cần được dân chủ nhiều hơn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:36, 16/05/2015

Dân chủ trường học hiện nay đang đặt trọng tâm đến đội ngũ giáo viên, nhân viên nhưng chưa thực sự hướng đến học sinh.

Theo tinh thần đổi mới

Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã đưa ra nhiều quan điểm mới về giáo dục và đào tạo, trong đó, căn bản là “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học" và "Giáo dục con người VN phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân". Những quan điểm này không chỉ xác định triết lý giáo dục hướng đến phát triển toàn diện cá nhân mà còn thể hiện tư tưởng mới dân chủ trong giáo dục: đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân người học.

Nhiều giải pháp mà ngành giáo dục triển khai trong giai đoạn vừa qua đã thay đổi hoàn toàn quan điểm cách đây vài năm và thể hiện dân chủ trường học theo tinh thần Nghị quyết 29. Từ chỗ quan niệm để học sinh (HS) phát triển toàn diện phải chống việc học lệch nên kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc văn, toán và ngoại ngữ, HS phải thi thêm 3 môn khác do Bộ GD-ĐT chọn cuối tháng 3 hằng năm. Đến nay, để xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc HS chỉ cần chọn thêm một môn trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa. Như vậy, tư tưởng đổi mới ở đây là không còn áp đặt, mà khuyến khích HS chọn môn thi đúng với năng lực và thiên hướng nghề nghiệp của mình. Đồng thời, việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ sau khi HS đã biết được kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Mặt khác, việc kiểm tra, đánh giá học sinh phổ thông cũng được đổi mới, hướng đến sự tiến bộ của HS. Chẳng hạn, đánh giá thường xuyên đối với HS tiểu học không còn bằng điểm mà bằng nhận xét của giáo viên, có sự phối hợp với phụ huynh và tự đánh giá của HS.

Chưa có cơ chế phát hiện, đáp ứng sự khác biệt của người học

Tuy vậy những quan điểm đổi mới hướng đến đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân HS vẫn chưa thực hiện một cách đầy đủ, hiệu quả đối với trường học.

Trong 10 nhiệm vụ của hiệu trưởng được quy định tại Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường không có điều nào quy định hiệu trưởng có trách nhiệm phải phát hiện sự khác biệt nơi học sinh, đáp ứng sự khác biệt đó và phát huy cao nhất khả năng và sở thích của HS. Hay khi tìm hiểu việc phân ban hiện nay ở trường THPT cho thấy, đa số các trường chỉ chọn một ban duy nhất. Có trường THPT 100%  HS học ban khoa học tự nhiên nhưng đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ có tới 8% dự thi khối C. Như vậỵ, nhà trường chưa thực sự nắm được nhu cầu và nguyện vọng nghề nghiệp của HS, những em có xu hướng thích các môn xã hội nhưng phải học các môn toán, lý, hóa theo ban khoa học tự nhiên là quá nặng.

Trao đổi với chúng tôi, một hiệu trưởng trường THPT ở Quảng Trị cho rằng dân chủ trường học và nhất là dân chủ đối với người học là một xu hướng nhân văn và tiến bộ của thế giới và VN. Tuy nhiên, một số văn bản chỉ đạo dạy và học của cấp trên và ngay cả Quy chế dân chủ trường học chưa có những điều khoản thực hiện dân chủ với HS. Thực tiễn đã có trường hợp hiệu trưởng chưa thực sự dân chủ hoạt động dạy và học của nhà trường nên bị giáo viên tố cáo kéo dài, nhưng chưa có trường hợp nào HS khiếu kiện hiệu trưởng.

Kỷ luật tự giác chứ không phải kỷ luật áp đặt

Để từng bước thực hiện dân chủ trường học theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện, ngành giáo dục cần triển khai một số giải pháp. Trước hết, cần phải bổ sung, sửa đổi nhiệm vụ của hiệu trưởng trong quy chế thực dân chủ trường học, hướng đến dân chủ nhiều hơn đối với người học. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần quy định việc khảo sát đầu năm không chỉ giới hạn ở chất lượng học tập mà cần khảo sát đầy đủ những năng lực, khả năng hiện có cũng như nhu cầu, xu hướng nghề nghiệp của từng HS để từ đó có thể triển khai dạy và học phù hợp với từng đối tượng người học. Về nội quy lớp học, khuyến khích HS thảo luận và đưa ra nội quy để HS thực hiện kỷ luật tự giác sẽ mang lại hiệu quả hơn là kỷ luật còn mang tính áp đặt như hiện nay.

Ông Thaman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore, năm 2004 cho rằng chúng ta giúp từng HS tìm được thế mạnh của mình chứ không phải tập trung vào khuyết điểm của các em, và giúp các em thể hiện tài năng của mình tốt nhất. Đó chính là nhiệm vụ của chúng ta...

Theo Hồ Sỹ Anh/ Thanh Niên

Một Thế Giới