Ngán ngẩm chuyện thạc sĩ… nợ đầu vào

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:45, 13/05/2015

Chỉ cần nộp hồ sơ và học phí, học viên bồi dưỡng sau ĐH được học chương trình cao học chính thức để tích lũy điểm chờ ngày thi đầu vào...
Mở lớp tới tận địa phương
Chương trình bồi dưỡng sau ĐH dành cho học viên (HV) chưa trúng tuyển đầu vào cao học đang được thực hiện ở nhiều trường ĐH tại TP.HCM như: Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Kinh tế - Luật, Kinh tế TP.HCM... Cùng một tên gọi nhưng cách các trường thực hiện không giống nhau.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM mở lớp bồi dưỡng kiến thức sau ĐH dành cho những người đã dự tuyển kỳ thi tuyển sinh cao học nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển, có nguyện vọng học để nâng cao kiến thức. HV chỉ cần nộp hồ sơ và học phí sẽ được tham dự.
Tương tự; lớp cao học luật tại Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng có 2 đối tượng HV. Tiếp xúc với một HV “dự thính” tại lớp này chúng tôi được biết cũng đăng ký học trước và sẽ dự thi đầu vào trong đợt tới đây.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thông báo mở lớp bồi dưỡng sau ĐH không chỉ tại trường mà còn nhiều địa phương khác. Dù thông báo tuyển sinh ở nhiều nơi nhưng thực tế đến nay lớp học chỉ mở được tại 4 tỉnh: Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang và Vũng Tàu.
Người tốt nghiệp ĐH có thể đăng ký học bồi dưỡng sau ĐH các môn trong các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ của trường mà không qua kỳ thi nào. Cụ thể, HV được đăng ký học tối đa 9 tín chỉ / học kỳ và không được thực hiện chuyên đề; các HV này sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành môn học nếu có kết quả. thi kiểm tra từ 5 trở lên. 
Cũng theo cán bộ này, các HV của lớp học mở tại Cần Thơ năm 2010 đến nay đã gần hoàn tất chương trình thạc sĩ. HV lớp bồi dưỡng sẽ đóng khoảng 9,5 triệu đồng/học kỳ, HV chính thức khoảng 7 triệu đồng. Sự chênh lệch này, theo lý giải của nhà trường là do lớp học mở tại địa phương nên có thêm chi phí đi lại cho giảng viên và tiền thuê địa điểm học tập.
Trả nợ đầu vào...không thời hạn
Các trường thực hiện kiểu đào tạo này đều chấp nhận việc chuyển điểm từ các lớp bồi dưỡng kiến thức sang chương trình cao học khi HV thi đỗ đầu vào.
Học viên bồi dưỡng không được chuyển qua cao học
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có hẳn quy định đào tạo bồi dưỡng sau ĐH. Theo đó, HV bồi dưỡng cao học chỉ được cấp chứng nhận kết quả học tập cho môn đã học, không được công nhận là HV cao học chính thức, không được chuyển sang hệ cao học và không được xem xét cấp bằng tốt nghiệp.
Ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chứng chỉ môn học đầu tiên có giá trị chuyển điểm vào chương trình cao học chính thức trong thời hạn 5 năm đến khi HV thi đỗ đầu vào. Còn Trường ĐH Kinh tế - Luật chỉ cho phép HV chuyển điểm môn đã học trong thời gian 2 năm.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Huy, Trưởng phòng Sau ĐH và quản lý khoa học Trường ĐH Kinh tế - Luật, khẳng định hình thức đào tạo này không phải dạng “nợ đầu vào” cao học. Kết quả học phần bồi dưỡng sau ĐH chỉ được bảo lưu trong 2 năm, nếu HV không thi đỗ đầu vào sẽ bị hủy. Cũng theo ông Huy, HV dự thính không có ưu tiên đặc biệt nào trong kỳ thi tuyển đầu vào, số lượng người học chương trình này tại trường không nhiều. “Qụy chế ĐH Qụốc gia TP.HCM cho phép hình thức đào tạo này” ông Huy nhấn mạnh.
Trong khi đó, trả lời chúng tôi, một cán bộ tuyển sinh Viện Đào tạo sau ĐH của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết HV bồi dưỡng sau ĐH sẽ được chuyển điểm các môn đã học nếu thi đỗ đầu vào, nếu hoàn thành chương trình sẽ được làm luận văn tốt nghiệp. Cán bộ này nhấn mạnh, kết quả các môn đã học sẽ được bảo lưu... không giới hạn thời gian.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, các lớp học bồi dưỡng tại địa phương đều xuất phát từ nhu cầu người học, do các trường địa phương đề nghị mở lớp. Đây không phải chương trình liên kết giữa trường với trường địa phương, mà do trường thuê cơ sở tại trường địa phương để mở lớp. Toàn bộ chương trình đào tạo, giảng viên đều do trường chịu trách nhiệm. Trường địa phương chỉ hỗ trợ quản lý lớp học. Các HV này sẽ phải thi đầu vào trong kỳ thi tuyển sinh sau ĐH chung của trường, không có sự ưu tiên nào nên chất lượng không khác so với lớp học tại trường.
Đào tạo Thạc sĩ phải đúng trình tự, quy chế
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết việc mở lớp đào tạo bồi dưỡng sau ĐH để cấp chứng chỉ trong các trường ĐH đúng hay sai còn phụ thuộc vào mục đích của việc sử dụng các chứng chỉ này. Nếu việc đào tạo cấp chứng chỉ môn học theo nhu cầu người học đơn thuần chỉ để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn phục vụ cho công tác thì không sai. Tuy nhiên, nếu mục đích dạy đại trà để tích lũy môn học trước khi thi đầu vào cao học thì không đúng quy định của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành. Quy chế đã quy định quy trình: tuyển sinh, nếu đủ điều kiện đầu vào thì học tập nghiên cứu, bảo vệ luận văn, xét và công nhận tốt nghiệp... Các cơ sở đào tạo thạc sĩ phải thực hiện đúng trình tự đó.
Hà Ánh / Thanh Niên


Một Thế Giới