Bức tranh tuyển sinh lớp 6 niên học 2015-2016
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:45, 22/04/2015
Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp tại quận 1 vừa được Phòng GD-ĐT quận công bố, tuyển sinh vào lớp 6 được thực hiện theo tuyến phường thuộc địa bàn của trường THCS. Nghĩa là những học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học trên địa bàn quận đều được vào lớp 6 công lập của địa bàn được phân tuyến.
Có hay không các bài kiểm tra trí tuệ, cảm xúc?
Hà Nội: Chỉ 3 trường được đánh giá bằng bài test
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: Trong số 6 trường gửi đề xuất về phương thức tuyển sinh học sinh (HS) lớp 6, Sở GD-ĐT Hà Nội thống nhất với phương án tuyển sinh của 3 trường: Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie.
Cụ thể, đề tuyển sinh lớp 6 của Trường Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm) theo phương thức xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS. Phương án của các trường Lương Thế Vinh và Marie Curie xây dựng là xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực HS thông qua việc tổ chức các trò chơi trí tuệ, cảm xúc. Theo Sở GD-ĐT, đây là các trường ngoài công lập, có thể chủ động trong tổ chức tuyển sinh và cũng là những đơn vị có môi trường phù hợp để thực hiện theo phương thức này.
Hầu hết các trường THCS có số HS đăng ký dự tuyển quá cao so với khả năng tiếp nhận của mỗi trường đều đề xuất phương án tuyển sinh bằng cách kiểm tra chỉ số IQ (trí tuệ) và EQ (cảm xúc).
Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, nơi còn tồn tại mô hình THCS chuyên duy nhất của Hà Nội, đã đề xuất phương án kiểm tra năng lực của HS theo các dạng thông minh. Bài kiểm tra không đo lường kiến thức mà tập trung vào việc đánh giá năng lực. HS thực hiện bài kiểm tra dưới dạng viết. Nội dung kiểm tra sẽ giúp phát hiện năng lực của HS trên các mặt trí tuệ: năng lực trí tuệ không gian, hình ảnh; logic, sáng tạo; khoa học tự nhiên; cơ thể và tri giác vận động; năng lực trí tuệ nội tâm bao gồm cả hành vi, thái độ của cá nhân; năng lực giao tiếp; âm nhạc...
Năm nay, Trường THCS Marie Curie, Hà Nội tuyển 10 lớp 6 với 300 học sinh. Do trường có quy định tuyển thẳng học sinh từ tiểu học trong hệ thống của trường lên THCS nên dự kiến chỉ còn 177 chỉ tiêu bằng hình thức test năng lực.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho biết, Marie Curie là 1 trong 3 trường được Sở GD-ĐT Hà Nội chấp thuận có thêm hình thức kiểm tra trí tuệ để tuyển sinh lớp 6. Cụ thể, học sinh dự tuyển sẽ làm bài test trong vòng 60 phút với cấu trúc IQ: 60 câu /45 phút; EQ: 30 câu/15 phút.
Đây là cách thức kiểm tra mà theo thầy Khang, gần như game show, được xây dựng dưới sự hỗ trợ của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các câu đầu rất dễ nhưng càng về sau càng khó và không nhiều người có thể làm hết được trong thời gian nhất định.
Cũng trong chiều 17.4, Trường Marie Curie đã công bố minh họa nội dung bài kiểm tra trí tuệ sẽ được áp dụng trong việc tuyển sinh vào lớp 6. Theo đó, 60 câu IQ chủ yếu yêu cầu học sinh phải có tư duy logic, phát hiện ra tính quy luật để tìm ra đáp án đúng.
EQ test là gì?
Các câu hỏi EQ chủ yếu yêu cầu học sinh chọn cách xử lý tình huống hoặc những câu hỏi rất gần gũi, thú vị. Ví dụ: “Khi người khác cố tình che giấu cảm xúc của mình, bạn sẽ: a- nhanh chóng phát hiện ra cảm xúc của họ; b- Thỉnh thoảng bạn cũng nhận ra được cảm xúc của họ; c- Không hiểu họ đang cảm thấy thế nào; d- Thường hiểu nhầm cảm xúc mà họ cố tình thể hiện”.
Hoặc câu hỏi: “Khi nhìn thấy người khác khóc, bạn cảm thấy như thế nào?”; “Trong giờ kiểm tra, bạn phát hiện người bên cạnh đang sử dụng tài liệu, bạn sẽ...”.
Với minh họa nội dung kiểm tra như vậy, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc luyện thi theo đề mẫu, theo lối mòn sẽ rất khó xảy ra. “Cuộc sống thì có muôn vàn tình huống xảy đến, luyện bao nhiêu là đủ. Thôi thì các cháu cứ học và sống đúng lứa tuổi của mình, tích lũy học hỏi thêm kỹ năng sống, rèn cho mình thói quen đọc sách để hiểu biết hơn về thế giới xung quanh”, thầy Khang chia sẻ.
Tuyển theo tuyến các trường tiểu học, THCS
Trường THCS Nguyễn Du, một trường được xem là một trong những trường “xịn” nhất quận 1, chỉ tuyển học sinh phường Bến Thành, là nơi trường trú đóng. Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, cho biết Trường THCS Nguyễn Du không có khả năng nhận hết học sinh hoàn thành chương trình tiểu học trong quận nên chỉ tuyển những học sinh có điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II năm lớp 5 đạt 18 điểm trở lên. Những học sinh từ 10 đến dưới 18 điểm sẽ được sắp xếp học ở trường THCS khác.
Nhiều nơi khác như quận 3, 5, Phú Nhuận,... lại thực hiện tuyển sinh lớp 6 vào các trường THCS công lập theo tuyến các trường tiểu học. Trong khi đó, quận Tân Bình cũng tuyển theo tuyến trường tiểu học nhưng lại có thêm quy định: Ưu tiên cho những học sinh có thành tích cao trong kỳ kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II lớp 5 có thể chọn bất kỳ trường THCS công lập nào trong quận.
Cụ thể, trong kế hoạch tuyển sinh lớp 6 năm học 2011-2012 của quận Tân Bình sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một cho phép học sinh lớp 5 của các trường tiểu học trên địa bàn đã được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và đạt danh hiệu học sinh giỏi 5 năm liền… được quyền đăng ký xét tuyển lớp 6 vào bất kỳ trường THCS công lập nào; giai đoạn hai thực hiện tuyển theo tuyến các trường tiểu học.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết quy định này nhằm khuyến khích tinh thần thi đua học tập của học sinh. Đối tượng này chỉ chiếm 20% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm học vừa qua. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết đó chỉ là chính sách khuyến khích học sinh giỏi, còn các em nộp đơn vào trường nào là quyền của các em.
Trường “xịn” hút hết học sinh giỏi?
Cách khuyến khích học sinh như quận Tân Bình hiện nay thực ra là không mới bởi cách đây vài năm ở quận 1, quận 5 và một số quận khác cũng đã làm. Có điều, cách làm này gây ra tranh cãi vì quy định đó đã vô tình tạo ra những trường điểm vốn đã không tồn tại bởi phụ huynh học sinh sẽ tập trung vào một hoặc hai trường được cho là tốt nhất quận.
Ông Đinh Thiện Căn cho biết quận 1 đã không còn chính sách khuyến khích học sinh giỏi tiểu học có quyền nộp đơn xét lớp 6 vào bất kỳ trường THCS công lập nào của quận vì cách làm đó tạo cơ chế để các trường THCS vốn đã “có tiếng” (cỡ như THCS Nguyễn Du - PV) “hút” hết học sinh giỏi. Nếu như thế thì những trường THCS còn lại sẽ thiệt thòi vì không có học sinh giỏi. Đó là chưa kể đến dư luận không tốt rằng trường này, trường kia chỉ dành cho học sinh giỏi…, trong khi chủ trương là tạo sự đồng đều giữa các trường.
Bà Võ Thị Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho biết 2 năm qua, khi phòng làm việc với ban giám hiệu các trường THCS về tuyển sinh đầu cấp thì các trường đồng ý phương án tuyển sinh lớp 6 theo tuyến trường tiểu học. Với cách làm này, trường THCS nào cũng tuyển được học sinh giỏi, khá, trung bình. Cũng theo bà Thu, có nhiều cách để khuyến khích học sinh giỏi như mở các câu lạc bộ, bồi dưỡng phát triển học sinh giỏi.
Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng tuyển sinh lớp 6 nên thực hiện theo tuyến trường tiểu học hoặc tuyến phường. Cách làm đó là phù hợp nhất để học sinh vừa được học ở trường gần nhà vừa bảo đảm sự đồng đều học sinh các trường khi không còn thực hiện thi tuyển vào lớp 6 ở các quận.
Trường Trung học cơ sở Chuyên Trần Đại Nghĩa tăng cường chỉ tiêu
Ngày 14.4, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2015-2016.
Theo đó, trường sẽ tuyển 600 học sinh (những năm trước tuyển khoảng 350 học sinh). Những học sinh này sẽ học tại cơ sở 2 của trường, đóng tại phường Bình Khánh, quận 2.
Được biết đây là cơ sở vừa hoàn thành xây dựng có diện tích 14.000 m2, bao gồm 41 phòng học, phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng, sân thể dục thể thao, phòng ăn bán trú… Phương thức tuyển sinh của trường đến hiện nay vẫn chưa được công bố chính thức.
Điểm xét tuyển là tổng điểm 2 môn tiếng Việt và toán
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết sở đã ban hành văn bản về tuyển sinh đầu cấp, trong đó có quy định tuyển sinh lớp 6. Theo đó, học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào lớp 6 ở các hệ trường trên địa bàn quận, huyện đó.
Điều kiện tuyển sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Điểm xét tuyển là tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II năm học lớp 5 của 2 môn tiếng Việt và toán với điểm cộng thêm theo chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Trên cơ sở này, các phòng GD-ĐT quận, huyện tự xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho địa bàn mình.
Nguyễn Long (tổng hợp)