HS lớp 7 không viết nổi tên mình, GV vẫn cho lên lớp
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:21, 09/04/2015
Giáo viên cho học sinh lớp 7 không viết nổi tên mình lên lớp, việc kiểm soát còn lỏng lẻo,không làm hết trách nhiệm của mình..
Chiều 7.4, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ảnh) – Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi NTNN đăng bài “Hoc sinh lớp 7 không viết nổi tên mình” ( NTNT số 78 ra ngày 1.4), ngày 2.4, Sở GDĐT Quảng Trị đã trực tiếp đi kiểm tra.
Ngày 3.4, Vụ Tiểu học (Bộ GDĐT) cũng đã gặp các em học sinh được nêu trong bài báo để nắm tình hình. Kết quả kiểm tra xác nhận nội dung bài báo nêu là hoàn toàn đúng sự thật. Sở đã có văn bản báo cáo Bộ GDĐT và tới đây sẽ gửi văn bản báo cáo đến UBND tỉnh Quảng Trị.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị |
Theo bà Thủy, nhà trường đã sai khi quản lý lỏng lẻo, không đánh giá đúng trình độ của học sinh. Giáo viên biết học sinh không biết chữ nhưng vẫn cho học sinh lên lớp. Như vậy, giáo viên, hiệu trưởng không làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, bà Thủy nói rằng, chủ trương là không nặng về việc phải xử lý kỷ luật giáo viên, hiệu trưởng mà để cho họ có cơ hội nhìn nhận lại mình, phấn đấu, sửa sai.
Bà Thủy nói, Sở GDĐT yêu cầu Trường Tiểu học A Túc và Trường Tiểu học và THCS A Dơi (Hướng Hóa) phải rà soát, lọc ra toàn bộ học sinh chưa đạt trình độ tương xứng lớp đang học, đặc biệt là học sinh không biết chữ để dạy phụ đạo, cử giáo viên trực tiếp kèm cặp, bổ sung, lấp lỗ hổng cho học sinh. Nếu đến cuối năm, các em không đảm bảo trình độ tương xứng với cấp độ lớp đang học thì cương quyết cho ở lại lớp. Đồng thời, Sở yêu cầu Phòng GDĐT huyện Hướng Hóa rà soát học sinh toàn huyện, có kế hoạch giảng dạy hợp lý cho các em học sinh chậm tiến.
Tuy nhiên, khi đề cập đến trách nhiệm của Sở, bà Thủy biện minh rằng hiện nay, Sở có thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính. Về việc thanh tra chuyên ngành, Phòng GDĐT huyện sẽ thanh tra trường, sau đó Sở sẽ thanh tra Phòng GDĐT nên khó phát hiện trường hợp như báo nêu.
Bà Thủy cũng khẳng định, Bộ và Sở GDĐT không hề đưa ra chỉ tiêu học sinh buộc phải lên lớp mỗi năm. Nếu như học sinh không đủ kiến thức, giáo viên, nhà trường cho học sinh ở lại lớp thì cũng không ai bắt tội. “Nhưng có lẽ, bệnh thành tích đã trở thành thói quen. Tiêu chí đạt phổ cập giáo dục là huy động được 80% số học sinh đến trường đúng độ tuổi. Chính vì thế, giáo viên ở hai trường trên đã có những cách này, cách khác để đạt phổ cập. Cách làm của họ tiêu cực, không đúng”- bà Thủy khẳng định.
Về phía huyện, ông Nguyễn Đức Tuận – Trưởng Phòng GDĐT huyện Hướng Hóa vẫn quanh co khi nói về trách nhiệm: “Đã có kết luận kiểm tra của Sở GDĐT nhưng có nhiều lý do dẫn đến sự việc như báo nêu. Hiện nay, huyện vẫn đang trong quá trình làm rõ để quy trách nhiệm” – ông Tuận phân bua.
Theo Dân Việt