Đổi mới chương trình – sách giáo khoa: Hiệu trưởng sẽ làm gì?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:55, 07/04/2015
Nhiều cán bộ quản lí cơ sở giáo dục trong cả nước lo lắng, băn khoăn về việc đổi mới chương trình –sách giáo khoa sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào?.
Tại buổi tập huấn về đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông dành cho cán bộ quản lí cơ sở giáo dục THPT và Giáo dục Thường xuyên diễn ra tại Hà Nội trong ngày 18/3, nhiều ý kiến bày tỏ sự chưa chắc chắn về công cuộc đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông. Về việc lộ trình và áp dụng chương trình mới này như thế nào, có làm thay đổi được chất lượng dạy và học ở phổ thông hay không?
Công việc của hiệu trưởng là gì?
Tại buổi tập huấn, theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù đã có lộ trình cụ thể về việc áp dụng bộ sách mới này vào nhà trường, nhưng một số lãnh đạo ngành giáo dục của các tỉnh vẫn “mơ hồ” chưa biết khi nào có bộ sách mới.
Có thể hiểu, chương trình và sách giáo khoa là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, nhưng hiện tại mới chỉ “ở giai đoạn đầu – nói như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) thì việc sốt ruột của các cán bộ, giáo viên là điều dễ hiểu.
Các đại biểu đến từ các tỉnh, thành dự buổi tập huấn về chương trình - sách giáo khoa. |
Một số ý kiến cán bộ quản lí cơ sở giáo dục ở địa phương băn khoăn, việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa là cần thiết, nếu làm được sẽ thúc đẩy giáo dục Việt Nam đi lên. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn về chương trình như thế nào, có khả thi hay không khi trong tình hình giáo dục Việt Nam như hiện nay?
Cụ thể hơn là cơ sở vật chất, đội ngũ và thực trạng xã hội còn chưa tốt. Do đó, khi triển khai cái mới thì có khả thi không. Có những băn khoăn này do xuất phát từ trước tới nay giáo dục chúng ta cũng đã có nhiều lần đổi mới, nhưng thực tế phát động rất tốt nhưng đổi mới chưa cao.
Đại diện cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, chương trình hiện nay để vận dụng vào đổi mới thì đang gây khó khăn cho việc phát triển phẩm chất và năng lực. Do đó, mong muốn của ngành giáo dục Lai Châu là Bộ GD&ĐT sớm ban hành chương trình mới để tỉnh có định hướng và có cách tiếp cận sớm hơn.
Trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một số các thầy cô dạy ngữ văn ở phổ thông cho rằng, chương trình ngữ văn đang có sự mất cân đối giữa văn học cổ đại, trung đại, hiện đại. Những tác phẩm văn học mang tầm vóc thế giới, đặc biệt là những tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel thì ít được đưa vào giảng dạy.
Bởi những tác phẩm này thực tế gây nhiều hứng thú cho học sinh. Việc này sắp tới Bộ GD&ĐT có lưu ý đưa vào chương trình – sách giáo khoa mới hay không?
Thầy Phạm Mạnh Hùng (Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Bắc Cạn) băn khoăn, nếu trước đây học sinh Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và học sinh phổ thông học chung bộ sách giáo khoa, tuy nhiên liệu đối với chương trình mới này liệu các em có sự thay đổi về chương trình và sách không? Cùng với đó là nội dung phát triển năng lực.
Đồng thời, cô giáo Đỗ Thị Kim Anh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Tuyên Quang thắc mắc, chưa biết công việc của người hiệu trưởng như thế nào khi áp dụng chương trình – sách giáo khoa mới sắp tới.
“Bản thân người hiệu trưởng phải nhận thức sâu sắc về đổi mới, từ đó sẽ tuyên truyền cho giáo viên, học sinh nhận thức đúng đắn về đổi mới, và căn cứ vào tình hình thực tế của trường để lựa chọn một nội dung đổi mới” cô Kim Anh mạnh dạn nêu ý hiểu của mình.
Ngoài ra, đổi mới chương trình – sách giáo khoathì những phương pháp trước đây thay đổi như thế nào, những động tác kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào…là điều cần bàn.
Đặc biệt là khâu ra đề cho học sinh ở các mức độ nhận thức, giáo viên thạo kỹ thuật nhưng để phát triển năng lực học sinh qua các bài thi thì cần làm như thế nào?
Tin vào đổi mới, nhưng không mù quáng
Ông Đỗ Ngọc Thống- Phó Vụ trưởng vụ Trung học, Bộ GD&ĐT phúc đáp lại những băn khoăn của thầy, cô giáo rằng, đến năm 2018-2019 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình – sách giáo khoa mới, sẽ làm cuốn chiếu theo từng cấp.
Thầy Phạm Trọng Đạt (đoàn Hà Nội) bày tỏ quan điểm về chương trình, sách giáo khoa mới. |
“Năm học 2018-2019 có lớp 1, lớp 6 và lớp 10 sẽ đồng thời thay sách cả ba lớp. Từ nay đến thời gian 2018 Bộ phải hoàn thành bộ chương trình chuẩn, sau đó biên soạn bộ sách giáo khoa. Một trong những lần thay đổi là sẽ có nhiều sách giáo khoa, và diễn ra trong suốt quá trình đổi mới” ông Thống cho hay.
Trước băn khoăn chương trình mới liệu có chú ý đưa những tác phẩm văn học của các nhà văn đoạt giải Nobel tới học sinh hay không? Ông Đỗ Ngọc Thống cho rằng, hình thức thì đúng nhưng khi xây dựng chương trình phải tính toán nhiều phương diện.
“Việc có đưa những tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel vào hay không thì không hẳn như vậy. Nói thật, tôi là dân văn nhưng đọc những tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel cũng không hề đơn giản, khó lắm. Mình lấy yêu cầu của trường phổ thông là dạy cho học sinh những kiến thức văn học bám sát chương trình và yêu cầu cơ bản. Những tác phẩm lớn, cổ điển nói chung cần phải cân đối” ông Thống này tỏ.
Ông Thống còn cho biết, việc những tác phẩm cổ điển từ xa xưa đã quá xa với đời sống hiện nay của học sinh, mà nếu không dạy thì cũng không đúng, vì đó là văn hóa, nhưng dạy làm thế nào để cho học sinh cảm thấy gần gũi là vấn đề hết sức khó.
Ông Thống khẳng định, thời gian tới đổi mới sẽ cố gắng cân đối những tác phẩm đó với những tác phẩm hiện đại, những tác phẩm của thế giới và của Việt Nam cho hài hòa và đáp ứng được yêu cầu của tuổi trẻ.
Trao đổi thêm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển hỏi lại các vị cán bộ cơ sở giáo dục trong cả nước rằng “Có tin vào sự đổi mới này không? Nếu không tin thì không làm được, nhưng không tin một cách mù quáng”.
Ông Hiển cho rằng, chương trình – sách giáo khoa phải phù hợp với thực tiễn dạy học, thực tiễn phát triển của xã hội.
Nếu lần trước đổi mới chương trình- sách giáo khoa chỉ là sắp xếp lại chương trình, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, kỳ này sẽ đổi mới những gì? Đổi mới lần này phải đồng bộ toàn bộ chương trình.
Đổi mới lần tới sẽ là, hoạt động dạy học vẫn phải được coi trọng, nhưng phải coi trọng hơn những hoạt động trải nghiệm, sáng tạo của học sinh.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, đổi mới chương trình và sách giáo khoa sẽ đòi hỏi bồi dưỡng những giáo viên cốt cán. Tuy nhiên, sẽ không có bồi dưỡng giáo viên kiểu cốt cán từ tỉnh, tỉnh về huyện và huyện về các trường.
Bồi dưỡng giáo viên sắp tới sẽ kết hợp với công nghệ thông tin, bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng qua mạng. Tuy nhiên, những giáo viên cốt cán sẽ vẫn có, nhưng không phải đi giảng lại những điều được bồi dưỡng, mà là nơi tập trung để giải quyết những thắc mắc, tập trung để thảo luận, để thực hành phương pháp mới.
Bên cạnh đó, các hiệu trưởng trường phổ thông phải liên kết với nhau để quản lí chặt thì mới thực hiện được chương trình mới.
Qua đây, ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định lại quan điểm trước băn khoăn chương trình mới sẽ áp dụng như thế nào đối với giáo dục thường xuyên và giáo dục phổ thông. Theo đó, cả hai hệ đều yêu cầu năng lực người học như nhau, trong khi đó kiến thức có thể được trang bị khác nhau.
Giáo dục thường xuyên làm nhiệm vụ học linh hoạt về chương trình, nội dung, hình thức, thời gian, người dạy, người học, nhưng không được hạ thấp yêu cầu.
Được biết, chương trình tập huấn về đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông dành cho cán bộ quản lí cơ sở giáo dục THPT và Giáo dục Thường xuyên được triển khai trong hai ngày 18-19.3.2015 tại Hà Nội.
Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội nêu rõ, đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo giaoducvietnam.vn