Học nội trú “cùng ăn ở với thầy” qua các thời kỳ lịch sử
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 03:52, 06/04/2015
Mặc dù không quá phổ biến, nhưng xuyên suốt lịch sử, thời nào cũng có thể tìm thấy một vài trường học nội trú "cùng ăn ở với thầy" ở nước ta.
Mô hình học nội trú "cùng ăn ở với thầy" xuất hiện trong hệ thống giáo dục Việt Nam bắt đầu từ thời phong kiến.
Thời phong kiến, nhiều lớp học chữ Nho của các ông Đồ trải dài khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trong suốt hàng trăm năm lịch sử có thể coi là những ngôi trường theo mô hình nội trú đầu tiên ở nước ta.
Xem lại những bộ phim thời xưa hay đọc lại những câu chuyện cũ, chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh về các bậc cha mẹ gửi con đến nhà thầy để học chữ Thánh hiền.
Trường học của các ông Đồ xưa - mô hình đào tạo "nội trú" đầu tiên ở VN |
Thông thường, gia đình người học trò đem theo lễ vật, bao gồm trầu, cau, rượu, xôi, gà, đến nhà thầy để thầy làm lễ để xin được nhận làm môn đệ.
Lớp học được tổ chức ngay tại nhà thầy (thường trong một dãy nhà lớn trong sân vườn). Ngoài giờ học, các trò cũng sinh hoạt chung với gia đình thầy như các thành viên khác, cùng làm lụng việc nhà và thậm chí, cùng tham gia vào lao động, sản xuất.
Không phải lớp học của thầy đồ nào cũng nuôi học trò trong nhà nhưng trong thực tế, mô hình “trường học nội trú” này đâu đó vẫn còn rải rác cho đến tận nửa đầu thế kỷ XX ở nước ta.
Một trường nội trú nổi tiếng khác trong lịch sử nước ta mà kể tên ai cũng sẽ phải biết, đó chính là Quốc Tử Giám – nơi được coi là trường đại học đầu tiên ở nước ta. Sách Đại việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê và Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn đều có những đoạn mô tả chi tiết cấu trúc, phòng ốc, bao gồm giảng đường, kho chứa ván gỗ khắc sách và khu nghỉ ngơi của học sinh ra sao.
Tuy vậy, khu vực này ngày nay có lẽ cũng không còn nằm trong khuôn viên của Quốc Tử Giám nữa; mà đâu đó, sẽ nằm xung quanh khu vực phố Nguyễn Thái Học.
Mô hình nội trú thời Pháp thuộc
Từ thế kỷ XVII cho đến suốt gần một thế kỷ Pháp thuộc, khi người phương Tây ngày càng xuất hiện đông đảo ở nước ta thì kèm theo đó, cũng xuất hiện các trường nội trú theo mô hình Châu Âu.
Trường quốc tế Dalat - ngôi trường nội trú nổi tiếng ở Malaysia và có gốc gác từ Đà Lạt, Việt Nam. Ảnh PH |
Thường thì các trường theo mô hình này được tổ chức bởi cộng đồng thiên chúa giáo và việc học được gắn liền với mục đích truyền giáo. Học sinh học chính khoá ban ngày và sinh hoạt cùng với các sơ, các cha trong cùng khuôn viên Nhà thờ.
Một trong những trường nội trú nổi tiếng nhất thời Pháp thuộc theo mô hình này là trường nội trú Đà Lạt, được thành lập năm 1929, giảng dạy chương trình từ cấp 1 đến cấp 3.
Điều đặc biệt trường này ngày nay (với tên gọi Dalat International School) vẫn tồn tại nhưng trụ sở lại không đặt ở Việt Nam nữa mà chuyển sang tận Penang, Malaysia.
Nguyên nhân là bởi trong thời gian chiến tranh, những người chủ của trường đã quyết định “di cư”, đầu tiên là đến Thái Lan, cuối cùng là sang Malaysia. Ngày nay, đây là một trong những trường nổi tiếng nhất khu vực với học sinh đến từ gần 30 nước trên thế giới.
Trường nội trú “bất đắc dĩ”
Trường học nội trú "cùng ăn ở với thầy" nổi tiếng nhất trong thời kỳ này là Trường mang tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Được thành lập năm 1965, trên cơ sở tái tổ chức Trường văn hoá quân đội ở Trại Hoè, Hà Bắc, Trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi có nhiệm vụ đào tạo kiến thức phổ thông (lớp 5 đến lớp 10) cho con em cán bộ đang chiến đấu trên các chiến trường và các gia đình có công kết hợp trau dồi kiến thức quân sự nhằm trở thành cán bộ kế cận lâu dài cho đất nước.
Qua nhiều lần đổi địa điểm, từ Hà Bắc cho đến Bắc Thái rồi sang tận Quế Lâm, Trung Quốc, trường Nguyễn Văn Trỗi đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh; trong đó nhiều người hiện đang nắm các vị trí chủ chốt tại các cơ quan, tổ chức lớn ở nước ta.
Cũng trong thời kỳ kháng chiến, trong nhiều trường hợp, các trường (từ bậc phổ thông cho đến đại học) – gồm cả thầy và trò – buộc phải sơ tán khỏi Hà Nội đến sinh hoạt, học tập cùng nhau tại các vùng quê lân cận. Trong trường hợp này, đây cũng có thể coi là một loại hình trường nội trú “bất đắc dĩ”.
Trường nội trú thời hiện đại
Trong thời đại ngày nay, trường nội trú phổ biến nhất mà chúng ta thường nghe đến có lẽ là các trường thuộc hệ thống phổ thông dân tộc nội trú.
Học sinh trưòng PTTH nội trú FPT trong một buổi sinh hoạt ngoại khoá. Ảnh PH |
Một số trường tiêu biểu có thể kể đến có địa điểm tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng …. Hệ thống trường này có nhiệm vụ đào tạo ở bậc phổ thông và dự bị đại học cho con em các đồng bào dân tộc thiểu số, trước khi được cử đi học tiếp tại các trường đại học, cao đẳng nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cho đồng bào dân tộc trong tương lai.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng từ phía học sinh và phụ huynh, nhiều trường nội trú áp dụng mô hình đào tạo của phương Tây cũng đã được thành lập Việt Nam.
Một trong số đó có thể kể đến Trường phổ thông FPT thuộc hệ thống giáo dục FPT.
Thành lập từ năm 2013 và có cơ sở vật chất bao gồm, giảng đường, ký túc xa, khu phức hợp thể thao cùng trong khuôn viên với Trường Đại học FPT tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc cách Hà Nội khoảng 30 km, Trường phổ thông FPT đến nay đã tuyển sinh được 2 khoá và chuẩn bị tuyển sinh khoá thứ 3.
Đào tạo theo mô hình nội trú, mặc dù rất phổ biến ở phương Tây nhưng ở nước ta còn hạn chế.
Học nội trú "cùng ăn ở với thầy" là phương thức đào tạo độc đáo, khá phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông, lứa tuổi có nhiều biến đổi sâu sắc về tâm, sinh lý và đang trong giai đoạn định hình tính cách mạnh mẽ.
Việc đưa học sinh vào cùng học tập, sinh hoạt trong cùng một môi trường sẽ giúp các em có điều kiện được tương tác, phát triển hài hoà và trưởng thành cùng nhau.
Tuy vậy, tổ chức đào tạo nội trú nghĩa là phải theo dõi, quản lý và hỗ trợ các em 24h/7 ngày; nó đòi hỏi các trường lựa chọn phương thức này phải có năng lực, trình độ tổ chức và cách tư duy làm giáo dục khác biệt so với lối đào tạo thông thường.
Theo giaoducvietnam.vn