5 thói quen của người có EQ cao
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:12, 03/04/2015
Một số người có chỉ số EQ cao và có khả năng nắm bắt được cảm xúc của mình cũng như người khác tốt hơn. Vậy đâu là điều khiến họ khác biệt và điều đó có khiến họ thành công hơn không?
Đối với nhiều người, cảm xúc có thể gây ra nhiều rắc rối – chúng có thể bị hiểu sai, ảnh hưởng đến lý trí, dẫn đến những hành vi kì quặc và bất ngờ, thậm chí đôi khi bạn có thể bị biến thành nô lệ của cảm xúc. Tuy nhiên, những người có EQ cao (EQ là chỉ số thông minh về cảm xúc) lại thường không phải đối mặt với những rắc rối này. Họ có khả năng đọc và thể hiện cảm xúc, kết hợp cảm xúc với trí thông minh cũng như kiểm soát cảm xúc của mình và người khác. Nói tóm lại, theo Tina B. Tessina – một nhà trị liệu tâm lý, thì thông minh về cảm xúc là khả năng đọc cảm xúc và phản hồi một cách phù hợp.
Vậy làm cách nào bạn có thể nhận ra những người thông minh về cảm xúc? Sau đây là 5 thói quen giúp họ nổi trội trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Hãy xem liệu bạn có phải là một trong số họ hay không nhé!
1. Họ hiểu rõ về bản thân: Theo Tina B. Tessina, những người có EQ cao hiểu được sự khác biệt giữa cảm xúc và trí tuệ. Và họ sử dụng các kỹ năng tư duy phản biện của mình để trung hòa cảm xúc của mình chứ không lờ đi hay chối bỏ nó. Người có EQ cao dám nhìn thẳng vào bản thân mình và nhìn nhận theo thực tế. Tessina cho biết: “Họ biết được những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Họ vị kỷ theo hướng tích cực và thực tế, có nghĩa là họ có những tiêu chuẩn hợp lý cho những hành vi tốt của bản thân mình. Sự thấu hiểu bản thân chính là nền tảng cơ bản của sự thông minh về cảm xúc”. Daniel Goleman, tác giả của cuốn best-seller “Trí tuệ Xúc cảm”, gợi ý trên website của mình rằng sự để tâm cũng là một cách để phát triển nhận thức của bản thân, ông còn nhấn mạnh sự để tâm dạy cho người ta phát hiện những dấu hiệu tinh tế nhưng quan trọng và giúp nhìn nhận những suy nghĩ và cảm xúc thay vì để cho chúng chi phối.
2. Họ hiểu rõ về đối tượng giao tiếp: Những người có trí tuệ xúc cảm có cảm nhận sâu sắc về những người xung quanh họ. Cara Day, một nhà trị liệu về hành vi và giáo dục đồng thời là CEO của Daychild.org, cho biết: “Khi những người có EQ cao làm việc hay tiếp chuyện với người khác, họ không chỉ nghĩ về bản thân mình”. Họ nắm bắt và hiểu được cảm xúc của người khác. Họ biết khi nào nên cho người khác một chút không gian riêng và khi nào nên ủng hộ hay thông cảm. Theo Cara Day, họ có khả năng sử dụng những thông tin mà họ thu thập được để “kết nối và thành công trong hàng loạt các tình huống, đặc biệt là những tình huống có liên quan nhiều đến cảm xúc hay rủi ro cao”.
4. Họ rèn đức tính thấu cảm: Tina giải thích: “Thấu cảm là khả năng nhận ra và hiểu rõ những mong muốn, nhu cầu và quan điểm của những người xung quanh bạn. Những người biết thấu cảm dễ dàng nhận biết cảm xúc của người khác, ngay cả khi những cảm xúc này không được thể hiện rõ ràng. Họ tránh phán xét và áp đặt theo định kiến, và họ sống một cách rất cởi mở và trung thực”. Do đó, những người biết thấu cảm thường hiểu và có quan hệ mật thiết với những người khác. Khi người ta hiểu được cảm giác của những người xung quanh mình, họ sẽ có thể hiểu được rằng hành động của họ cũng có thể ảnh hưởng đến người khác. Từ đó, họ trở thành “hình mẫu của sự rộng lượng và lòng nhân từ cũng như thái độ tích cực đối mới người khác”.
5. Họ cho phép mình có những cảm xúc tiêu cực: Những người có EQ cao đã trải qua nhiều loại cảm xúc, bao gồm cả những cảm xúc tiêu cực. Theo Dave Popple, nhà tâm lý học và Chủ tịch của Psynet Group, những người có trí tuệ xúc cảm cao “nhận ra khi nào họ đang lo âu hay kiệt sức và từ đó mà hoãn các quyết định quan trọng cho đến khi họ bình tĩnh hơn hay cảm thấy khỏe hơn”. Họ biết rằng có những cảm xúc tiêu cực là điều hiển nhiên và họ chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Hơn nữa, những người thông minh về cảm xúc cũng chấp nhận những cảm xúc tiêu cực đến từ người khác.
Ailita Nguyễn (theo Yahoo)