Lý do nên khuyến khích trẻ em làm việc nhà
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:49, 02/04/2015
Khuyến khích trẻ em làm việc nhà từ nhỏ sẽ giúp các em sớm thành công, phát triển được tư duy học tập, tâm lý tình cảm và chuyên môn sau này.
Trẻ em làm việc nhà là cách mà các nhà tâm lí học cho rằng có thể sẽ giúp các em sớm thành công, phát triển được tư duy học tập, tâm lý tình cảm và chuyên môn sau này. Ngày nay, để hướng đến mục tiêu thành công của con cái, cha mẹ có xu hướng tránh cho các em phải làm công việc nhà. Trong 1 cuộc khảo sát của Braun Research được tiến hành trên 1.001 người trưởng thành ở Mỹ, có 82% người cho biết khối lượng công việc nhà ngày càng tăng lên, tuy nhiên chỉ có 28% người yêu cầu con trẻ của mình phụ giúp việc nhà cho họ. Với những đứa trẻ, áp lực từ việc học tập, tham gia hoạt động ngoại khóa và nhiều điều khác khiến công việc nhà trở thành một hoạt động có thể cho qua.
Nhà tâm lý học Richard Rend cho rằng việc nhà giúp trẻ phát triển tư duy, tình cảm và chuyên môn sau này |
Nhà tâm lý học phát triển Richard Rend, đồng tác giá cuốn sách sắp xuất bản “Raising can do Kids” cho biết cha mẹ ngày nay muốn con cái tập trung thời gian vào làm những việc mang lại thành công, nhưng trớ trêu thay việc này lại khiến chúng ta bỏ qua 1 nhân tố có thể giúp trẻ em thành công trong tương lại, đó chính là làm việc nhà. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích làm việc nhà mang lại cho trẻ em là phát triển được tư duy học tập, tâm lý tình cảm và chuyên môn sau này.
Theo Marty Rossmann, giáo sư trường Đại học Minnesota, cho trẻ em làm việc nhà sớm có thể giúp trẻ xây dựng những phẩm chất lâu dài như biết cách làm chủ, có trách nhiệm và tự lập. Rossmann đã tiến hành phân tích dữ liệu từ 84 đứa trẻ theo 4 giai đoạn phát triển: mầm non, độ tuổi 10-15 tuổi, và giữa những năm 20 tuổi. Kết quả cho thấy những đứa trẻ bắt đầu làm việc nhà từ độ tuổi 3-4 có mối quan hệ gia đình bạn bè tốt hơn, đạt được nhiều thành công trong học tập và sự nghiệp hơn những người bắt đầu làm việc nhà ở lứa tuổi thanh thiếu niên.
Nhà tâm lý học Richard Weissbourd của trường Harvard còn lưu ý thêm rằng công việc nhà giúp trẻ em biết cách đồng cảm và quan tâm đến người khác. Trong một nghiên cứu công bố vào năm ngoái, ông đã tiến hành 1 cuộc khảo sát trên 10.000 học sinh trung học cơ sở và phổ thông. Cuộc khảo sát đưa ra danh mục những thứ mà các em cho là có giá trị hơn cả bao gồm: Thành tựu, hạnh phúc hay quan tâm chăm sóc người khác. Hầu như 80% đã chọn thành tựu và hạnh phúc. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng hạnh phúc cá nhân thường không đến từ thành tựu cao mà xuất phát từ những mối quan hệ tốt đẹp. Tiến sỹ Weissbourd nghĩ rằng chúng ta đang bị mất cân bằng khi để trẻ em có hướng suy nghĩ quá nhiều về thành tích, trẻ em cần học cách cư xử tử tế và biết giúp đỡ mọi người.
Dưới đây là 1 số cách để khuyến khích trẻ em làm việc nhà:
- Định nghĩa đúng khái niệm “giúp đỡ” cho trẻ. Trong 1 bài viết của tạp chí Phát triển Trẻ em năm ngoái, các nhà nghiên cứu cho rằng cách sử dụng ngôn từ có ảnh hưởng đến tư duy của trẻ, trẻ em thích được gọi là “người giúp đỡ” hơn là “người được giúp đỡ”, điều này tạo động lực tích cực để chúng làm việc nhà.
- Lên lịch làm việc nhà nhà cho trẻ bằng cách viết chúng ngay bên cạnh thời khóa biểu học tập, vui chơi thể thao và giải trí của trẻ nhằm duy trì thói quen cho các em.
- Hình dung công việc nhà thành một trò chơi 1 trò chơi điện tử, đầu tiên để trẻ thử làm việc nhỏ trước, sau đó từ từ nâng “level” lên dần, ví dụ như trước khi cho trẻ giặt quần áo, cần để chúng học cách phân loại quần áo.
- Tách biệt giữa khen thưởng và việc nhà: Các nhà nghiên cứu cho rằng việc treo phần thưởng cho công việc nhà thực chất làm giảm đi động lực giúp đỡ ở trẻ em và biến việc nhà trở thành hoạt động trao đổi kinh doanh đối với trẻ em.
- Phân loại nhiệm vụ: Để xây dựng hành vi đồng cảm với xã hội, thay vì cho trẻ làm những việc chăm sóc riêng bản thân thì nên cho trẻ học cách chăm sóc gia đình như giặt ủi quần áo cả nhà, hút bụi phòng khách.
- Chung tay góp sức: Đừng dùng mệnh lệnh để sai khiến trẻ phải làm việc nhà. Hãy dùng lời đề nghị “chúng ta cùng làm việc nhà” đề trẻ biết được đây không phải là nhiệm vụ mà là cách chúng ta chăm sóc lẫn nhau.
Tiểu Vi (Theo Wall Street Journal)