Tư vấn tâm lý để giảm bạo lực học đường
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:36, 27/03/2015
Theo nghiên cứu của Viện khoa học giáo dục Việt Nam với trên 300 học sinh ở 30 trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Hà Nội có đến 71% học sinh cho biết đã từng bị bạo lực trong trường học với các hình thức khác nhau. Trong đó, hình thức bạo lực tinh thần như: Mắng chửi, sỉ nhục, đe dọa... chiểm tỷ lệ 73%, bạo lực về thể chất chiếm 41%, bạo lực tình dục chiếm 19%.
Ngoài ra, hành vi bạo lực còn được thể hiện thông qua việc học sinh sử dụng các trang mạng xã hội có tính tương tác cao như: Facebook, twitter...
Thời gian qua, đã không ít những vụ bạo lực do các em học sinh gây ra rồi quay video clip tung lên các trang mạng xã hội như một cách thể hiện bản thân và cảnh cáo nạn nhân. Trong đó, nổi cộm lên trường hợp một nữ học sinh ở trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh bị đánh hội đồng ngày 13-1-2015, nhưng phải đến gần 2 tháng sau gia đình và nhà trường mới biết.
Hoặc trường hợp ở trường THCS Phúc Diễm (Bắc Từ Liêm- Hà Nội) hai nhóm học sinh đã đánh nhau gần trường học. Gần đây nhất ngày 24-3, em Nguyễn Trịnh Thu Tuyết, lớp trưởng lớp 6A6 Trường THCS Hùng Vương (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bị một nhóm học sinh lớp 8 vây đánh hội đồng ngay trong trường học.
Đánh giá về những vụ bạo lực học đường gần đây, tại tọa đàm "Bạo lực học đường: Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa" do Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học và giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) tổ chức ngày 25-3, tại Hà Nội ông Mạc Văn Trang, cựu chuyên viên nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: "Thời gian gần đây bạo lực học đường đang gia tăng về tính chất. Trước kia chỉ có học sinh nam đánh nhau, hiện xảy ra cả tình trạng học sinh nam đánh học sinh nữ, học sinh nữ đánh nhau, đánh nhau hội đồng...".
Cần có tư vấn tâm lý học đường
Ông Mạc Văn Trang phân tích, giáo dục của nhà trường chưa quan tâm đặc điểm tâm lý của học sinh. Khi những có chuyện không hay xảy ra, đều lặp đi lặp lại những biện pháp như kiểm điểm, tường trình, phê bình, góp ý, cảnh cáo, thậm chí đuổi học một tuần hay vài tuần.
“Những cái đó lặp đi lặp lại không có tác động đến lương tri, tình cảm, ý thức sâu xa của các em học sinh" ông Trang cho biết.
Theo ông Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu học- Giáo dục học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), khi gặp phải những vấn đề khó khăn học sinh tìm đến sự tư vấn của chuyên viên tư vấn tâm lý vẫn còn thấp. Nguyên nhân do nhiều trường chưa có cán bộ tư vấn tâm lý, phòng tư vấn tâm lý tại trường.
"Các trường học có văn phòng tư vấn tâm lý học đường giúp học sinh có thể chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong học tập và cuộc sống, từ đó sẽ giảm hiện tượng bạo lực học đường", ông Phạm Minh Mục cho biết.