Các nghiên cứu khoa học về thời gian ngủ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:39, 26/03/2015
Giấc ngủ là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Mất ngủ có thể làm giảm khả năng học tập và ghi nhớ của con người. Nhưng ngủ nhiều cũng đem lại cảm giác nặng đầu, thiếu sức sống. Vây đâu là thời gian ngủ lý tưởng cho con người?
Theo kết quả nghiên cứu của GS Franco Cappuccio, thuộc khoa tim mạch và dịch tễ tại ĐH Warwick (Anh), Thì những người có thời gian ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có tỷ lệ chết sớm hơn 12% so với nhóm ngủ từ 6-8 tiếng/ngày. Tuy nhiên không phải ngủ càng nhiều thì càng tốt, mọi chuyện có thể còn tệ hơn với những người ngủ quá nhiều. Nhóm những người ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày có tỷ lệ chết sớm cao hơn những 30% so với nhóm ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày
Nhận xét về kết quả này, Giáo sư tâm thần Daniel Kripke nói: “Những người ngủ trung bình 6,5 giờ mỗi đêm có thể yên tâm rằng thời lượng này là đủ. Xét về mặt sức khỏe, chả có lý do gì để ngủ nhiều hơn”.
Tuy vậy, GS Cappuccio cũng cho biết thêm rằng nghiên cứu của ông vẫn còn nhiều thiếu sót. Những người ngủ quá nhiều trong khảo sát có thể đang bị trầm cảm, hoặc đang sử dụng thuốc an thần để giúp ngủ dễ hơn. Ngoài ra, những người ngủ nhiều này có thể đang gặp các vấn đề sức khoẻ khác nhưng chúng chưa thể hiện rõ ràng ra bên ngoài.
Ở một nghiên cứu độc lập khác, GS Shawn Youngstedt thuộc ĐH Bang Arizona (Mỹ) kết luận người trưởng thành không nên ngủ quá nhiều. Shawn đã yêu cầu 14 người lớn ngủ thêm 2 tiếng mỗi tối trong suốt 3 tuần lễ. Kết quả, hàm lượng protein IL-6 trong máu của những người được khảo sát tăng lên cao, dẫn đến cảm giác " chán nản" và nguy cơ viêm nhiễm, đau lưng, nhức mỏi. Theo GS Youngstedt, đây có thể là hệ quả của việc nằm bất động lâu trong thời gian dài.
Nghiên cứu về thời gian ngủ lý tưởng không chỉ được tiến hành với giấc ngủ về đêm mà còn với giấc ngủ trưa. Giấc ngủ trưa là một hoạt động khá phổ biến và quan trọng ở một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc
Một nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học Trung Quốc tiến hành năm ngoái đã cho thấy giấc ngủ trưa kéo dài hơn 30 phút làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp hai. Trong khi giấc ngủ trưa ngắn là giúp làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Như vậy, một giấc ngủ trưa không nên kéo dài quá 30 phút.
Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Cambridge (Anh) đã phát hiện ra rằng ngủ trưa làm tăng nguy cơ tử vong sớm lên tới 1/3. Những người ngủ trưa dưới một tiếng có tỉ lệ tử vong khoảng 14%, trong khi đó con số này tăng lên tới 36% với những người ngủ trưa hơn hai tiếng.
Nghiên cứu này cũng tiết lộ thêm rằng ngủ trưa có thể gây rối loạn cơ thể cùng một số dấu hiệu bệnh lý. Nguy cơ tiềm ẩn sau mỗi giấc ngủ trưa là các bệnh về phổi như viêm phế quản, khí phế thũng và viêm phổi. Chính vì thế, tỉ lệ chết sớm vì bệnh phổi ở những người trưởng thành thường xuyên ngủ trưa tăng gấp 2,5 lần so với những người không ngủ trưa.
QUỲNH TRANG DAVIEN