Giải pháp giúp nữ sinh thiếu tự tin trong toán và khoa học
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:06, 05/03/2015
Nữ sinh thiếu tự tin với toán và khoa học là một thực trạng đáng lo ngại. Theo một nghiên cứu toàn cầu về bình đẳng giới trong học đường thực hiện bởi OECD – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - thì nữ sinh thường thiếu tự tin vào khả năng giải các bài toán và khoa học. Hệ quả là nữ sinh thường nhận điểm kém trong các môn học này, mặc dù về kết quả tổng thể thì vượt trội so với nam sinh.
Đại diện OECD cho biết: “Phát hiện từ những phân tích này đặc biệt đáng lo ngại. Thậm chí nhiều nữ sinh có thành tích cao cũng cho thấy sự kém tự tin trong khả năng giải quyết các vấn đề toán học và khoa học đồng thời thể hiện sự lo lắng cao độ đối với toán học”.
Tuy nhiên, nhìn chung nữ sinh có thái độ học tập tích cực hơn, làm nhiều bài tập nhiều hơn. Họ thường đọc sách để giải trí hơn là chơi video game. Vì vậy mà có rất ít nữ sinh lọt vào danh sách học sinh kém.
Phần Lan – một trong những nước có kết quả tốt nhất Châu Âu theo nghiên cứu tổng thể của OECD – có số lượng nam sinh học kém nhiều hơn hai lần số lượng nữ sinh kém. Kết quả của Anh khá tốt, với hầu như không có khoảng cách giữa nam sinh và nữ sinh trong số các học sinh có biểu hiện kém nhất.
Theo báo cáo thì “sự chênh lệch về giới trong thành tích không xuất phát từ sự khác biệt trong năng khiếu bẩm sinh mà chủ yếu từ thái độ của học sinh đối với việc học tập và hành vi của bọn trẻ ở trường, từ cách chúng chọn sẽ giải trí bằng gì đến việc chúng tự tin như thế nào”.
Để chứng minh luận điểm này, báo cáo chỉ ra rằng các nữ sinh ở Thượng Hải ghi được điểm trong môn toán cao hơn nhiều các nam sinh ở hầu hết các nước khác
OECD cho rằng việc nữ sinh thiếu tự tin trong việc giải quyết các vấn đề toán học và khoa học là do phụ huynh và giáo viên thường đặt ít kỳ vọng vào nữ sinh hơn nam sinh; đồng thời nữ sinh cũng thiếu khả năng “suy nghĩ như một nhà khoa học” khi giải quyết vấn đề.
OECD cho biết: “Sự khác biệt giới tính trong khả năng suy nghĩ như một nhà khoa học có thể liên quan đến sự tự tin của học sinh. Khi học sinh tự tin hơn, chúng tự cho mình quyền tự do thất bại, từ đó mà dấn thân vào quá trình thử nghiệm – thất bại, làm nền tảng cho việc tiếp thu kiến thức về khoa học và toán học”.
Nữ sinh thường dễ dàng tự nhận là mình “không giỏi toán” hơn so với nam sinh và rất ít nữ sinh cho rằng toán là một trong những môn họ học giỏi nhất.
Nữ sinh ở Anh dường như dễ bị sự thiếu tự tin cản trở khả năng giải toán và khoa học của mình hơn cả.
Các học sinh nam ở Anh vượt trội học sinh nữ trong các bài kiểm tra khoa học đến 20% điểm số; tuy nhiên, sự chênh lệch này biến mất khi mức độ tự tin giữa hai phe ngang nhau. Nói cách khác: nữ sinh dám nhận mình giỏi khoa học làm bài kiểm tra cho kết quả tốt ngang với nam sinh có sự tự tin tương tự, ngược lại nữ sinh và nam sinh kém tự tin cũng đạt kết quả kém ngang nhau.
Alun Jones, chủ tịch Hiệp hội Trường Nữ sinh, cho biết ông đồng ý với đánh giá của OECD, đồng thời chia sẻ thêm rằng nữ sinh có thể được khuyến khích để “suy nghĩ như một nhà khoa học” trong môi trường thích hợp và thông qua việc tiếp xúc với vai trò khoa học. Ông nói: “Chúng ta đang đối mặt với kết quả của sự thiên vị giới tính từ nhiều thế kỉ và với những gì mọi người và cha mẹ suy nghĩ cũng như nói ra mà thường không nhận ra là sẽ ảnh hưởng đến kì vọng của đứa trẻ vào chính nó”.
“Các trường dành cho nữ sinh không thể diệt trừ được yếu tố mang tính văn hoá này nhưng chúng tôi có thể thực hiện các bước tiến đáng kể để giảm thiểu nó và kết quả đã cho thấy là điều này thúc đẩy các cô gái tự tin hơn trong khả năng toán học và khoa học của mình”.
Ailita Nguyễn (theo The Guardian)