Công bố 4 môn bắt buộc trong kỳ thi chung vào năm 2015
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:19, 09/09/2014
Vào 16h chiều ngày 9.9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án thi quốc gia năm 2015.
Theo đó, Bộ lựa chọn phương án tổ chức thi bốn môn tối thiểu, trong đó Toán, Văn, Ngoại ngữ là ba môn thi bắt buộc và 1 môn do thí sinh tự chọn như môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí....
Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong các môn tự chọn.
Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD& ĐT công bố thì sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ ở kỳ thi này. Ngoài 4 môn đã đăng ký, thí sinh có quyền đăng ký thêm 1 môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.
Chia sẻ về phương án này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Phương án này là phương án tối ưu nhất, vừa có lợi cho thí sinh không bị quá nhiều áp lực, các trường lại căn cứ vào số điểm của học sinh thi để lựa chọn được thí sinh phù hợp với từng khoa, từng ngành của trường mình. Bên cạnh đấy, Bộ vẫn thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về một kỳ thi quốc gia chung vào năm 2015. Khi học sinh có kết quả tuyển sinh rồi, căn cứ trên số điểm đạt được để nhà trường xét tuyển theo nguyện vọng của thí sinh.
Riêng đối với các thí sinh tự do, đã có bằng phổ thông nhưng không đỗ vào trường Đại học, Cao đẳng nào ở năm 2014 thì các em chỉ thi những môn thi mà mình đã đăng ký xét tuyển, theo khối thi của các em, còn những môn khác thì các em không cần phải thì vì Bộ giáo dục cũng không sử dụng điểm thi của các môn đó để công nhận.
Các trường xét điểm kết quả tốt nghiệp PTTH sẽ căn cứ trên điểm số của 4 môn thi bắt buộc, cộng thêm điểm khuyến khích của thí sinh (nếu có) đồng thời kết hợp với điểm số của năm lớp 12 của thí sinh đó để làm căn cứ xét tốt nghiệp.
Phương án thi mà Bộ lựa chọn ở kỳ thi quốc gia chung 2015 đó chính là giao toàn bộ việc coi thi và chấm thi cho các trường Đại học, Sở GD và các địa phương ở từng cụm thi, từng vùng thi. Bộ GD chỉ có trách nhiệm ra đề thi của năm học đó cho các trường tổ chức một kỳ thi quốc gia theo đúng chỉ đạo theo tinh thần nghiêm túc, an toàn và tự chủ.
Thí sinh nào muốn thi để tham gia xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ thi ở những cụm thi này. Thí sinh nào không muốn tham gia xét tuyển mà chỉ muốn lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT thì sẽ có quyền thi ở địa phương, không phải đi lại tốn kém, vất vả. Việc tổ chức thi ở địa phương sẽ do các Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm, còn việc chấm thi sẽ do các trường Đại học chịu trách nhiệm.
Về đề thi: Toán - Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý theo đề tự luận có thời gian thi là 180 phút. Vật lý - Hóa học - Sinh học - Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm 90 phút. Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở;nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết,thông hiểu,vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Đối với các trường Đại học và Cao đẳng, các trường có quyền lựa chọn vào từng điểm số của các em ở kỳ thi hoặc lựa chọn điểm số ở những năm học PTTH của từng thí sinh tại nhà trường. Các trường đã được tự chủ tuyển sinh nên những phương án lựa chọn thí sinh của mình sao cho phù hợp, Bộ sẽ giao toàn quyền cho từng trường và chỉ báo cáo lên Bộ danh sách cũng như điểm chuẩn chung của trường đó. Thậm chí, các trường thấy cần thiết yêu cầu chất lượng cao hơn có thể tổ chức một kì thi riêng vào trường. Như vậy, tùy chất lượng nguồn tuyển, cũng như đặc thù học ngành nghề khác nhau các trường tự quyết phương án tuyển sinh của mình.
Trước 01/01 hàng năm, các trường tuyển sinh riêng ĐH, cao đẳng phải trình Bộ GD phương án thi, cách thức thi và các phương án tuyển sinh, đề án của riêng từng trường tới Bộ giáo dục và phải được Bộ đồng ý với phương án của trường đề ra về tuyển sinh.
Theo thứ trưởng Ga, trong đề án về kì thi quốc gia này, Bộ cũng đề xuất các giải pháp để đảm bảo độ tin cậy, công bằng cho kì thi. Chẳng hạn, tổ chức điểm thi theo từng cụm, tỉnh, tổ chức chấm thi chung cụm liên tỉnh, các vùng. Cán bộ tham gia kì thi quốc gia này gồm cán bộ sở GD-ĐT, trường phổ thông, trường Đại học cùng tham gia và chúng ta làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính công bằng tới từng học sinh.
Cũng trong cuộc họp, thứ trưởng Ga cho biết, để thực hiện tốt mục đích vừa xét tuyển THPT, vừa tuyển được thí sinh chất lượng cho từng trường Đại học, Cao đẳng thì Bộ sẽ tuyển chọn những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy tốt, hiểu học sinh để đưa ra những đề thi mở, vận dụng các kiến thức thực tế hơn là ghi nhớ một cách thụ động, máy móc. Hiện tại, học sinh ở khối 12 vẫn học chương trình bình thường như sách giáo khoa, chưa cần phải bổ sung kiến thức ngoài chương trình mà chủ yếu tập trung vận dụng tư duy logic hay biện chứng để giải những đề thi và tổng hợp kiến thức.
Sự đổi mới này, theo thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá là một kỳ thi khá nhẹ nhàng, phù hợp với năng lực của từng học sinh, tạo điều kiện tối đa cho các trường tuyển sinh đúng với năng lực và chuyên ngành đào tạo phù hợp với trình độ của các em học sinh.
Dạ Thảo