Nên trao quyền tổ chức thi cho các trung tâm khảo thí độc lập

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 29/08/2014

Thực tiễn tại các nước trên thế giới cho thấy, mỗi giai đoạn phát triển của giáo dục đại học (GDĐH) đòi hỏi cách thức tổ chức quản lý khác nhau, trong đó bao gồm cả việc thi cử đầu vào.

Tại nước ta, sau gần 30 năm tổ chức các môn thi theo các khối A,B,C… và hơn 10 năm thi 3 chung, đã đến lúc cần phải có một cách thức thi cử mới, phù hợp hơn với mức độ phát triển và yêu cầu cả về số lượng1 lẫn chất lượng. Dường như, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng xác định rõ điều này và coi việc cải cách thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là “trận đánh đầu tiên” trong “trận đánh lớn” theo tinh thần của Nghị quyết 29.

Trong các thảo luận trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ cuối năm ngoái cho đến nay, đôi lúc, chúng ta dành rất nhiều thời gian vào việc tranh luận giữa hai kỳ thi nói trên, nên bỏ kỳ thi nào và giữ kỳ thi nào – mà theo tôi, đó là một việc làm vô ích và mất thời gian.

Bởi dù là bỏ thi tốt nghiệp và giữ thi đại học hay ngược lại thì kỳ mới cũng phải đạt được hai tiêu chí sau đây (các tiêu chí về tính chính xác - validity):
- Đánh giá và phân loại được đúng kết quả học tập và năng lực của học sinh sau 12 năm phổ thông.
-  Làm cơ sở cho việc tuyển sinh đầu vào đại học (toàn phần hoặc một phần)2.

Bên cạnh các tiêu chí kể trên thì hẳn nhiên, kỳ thi mới cũng phải thoả mãn những tiêu chí cơ bản khác như tính bình đẳng (equity), tin cậy (reliability), và hiệu quả (efficient).

Trong 3 phương án mà Bộ GD-ĐT công bố từ cuối tháng 7 vừa qua, xét về mức độ thoả mãn hai tiêu chí về tính chính xác, phương án 2 và 3 có vẻ như phù hợp hơn và gần hơn với cách làm của các nước tiên tiến so với phương án 1. Tuy vậy, hai phương án này gặp phải vấn đề cả thầy và trò đều chưa được chuẩn bị tốt theo cách ra đề và thi theo kiểu tích hợp.

Với một chính sách cộng điểm ưu tiên hợp lý, tiêu chí bình đẳng có lẽ dễ giải quyết hơn cả3.

Tiêu chí tin cậy và hiệu quả thực sự khiến tôi lo lắng, mặc dù hai tiêu chí này rất ít được thảo luận trong thời gian vừa qua. Làm sao để kỳ thi mới có thể cho kết quả như nhau đối với hai thí sinh có năng lực như nhau, nhưng lại thi ở hai nơi khác nhau? Điều này sẽ rất khó xảy ra nếu Bộ cho phép tổ chức thi tại tất cả các tỉnh như cách thi tốt nghiệp phổ thông trung học trước kia.

Còn nếu chỉ tổ chức thi tại một số điểm thi và với cách làm thực sự nghiêm túc như cách thi 3 chung những năm qua, tính tin cậy tạm có thể yên tâm nhưng tính hiệu quả (về mặt tài chính) lại trở thành vấn đề. Thực vậy, thi cử tập trung tại các thành phố lớn, tình trạng thí sinh ảo, sự căng thẳng của 3 chung gây nên tốn kém về nguồn lực và mệt mỏi về sức lực như thế nào có lẽ không phải là điều phải bàn nhiều nữa.

Trong những ngày gần đây, có một số ý kiến của các chuyên gia cho rằng kỳ thi mới có thể làm tương tự như kỳ thi SAT tại Mỹ, tức là không nhất thiết phải tổ chức 1 lần/năm; đồng thời học sinh không nhất thiết phải đợi học hết lớp 12 mới được tham dự kỳ thi này. Khuyến nghị này là rất phù hợp để giải quyết bài toán hiệu quả; tuy vậy, nhược điểm của cách làm này là ở chỗ, cũng tương tự như việc chọn phương án thi 2 và 3 ở trên, chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm với cách thi như vậy.

Những khó khăn này vẫn có thể giải quyết được, nếu Bộ chịu “trao” lại quyền tổ chức kỳ thi nói trên cho các trung tâm khảo thí độc lập, tập trung các chuyên gia được đào tạo bài bản về kiểm tra, đánh giá theo phương pháp hiện đại. Nói cách khác, thay bằng việc trực tiếp tổ chức thi như hiện nay, Bộ sẽ chỉ đạo chung, lên kế hoạch phát triển đội ngũ chuyên gia khảo thí; đồng thời và quản lý việc cấp phép hoạt động cho các trung tâm khảo thí này.

Tất nhiên, việc cho ra đời và hoạt động các trung tâm khảo thí như vậy không phải là chuyện một sớm một chiều. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi “cái tốt thứ nhất” ra đời, Bộ có thể chọn phương án “cái tốt thứ nhì” là tạm thời không tổ chức kỳ thi mới, đồng thời để các trường tự tổ chức tuyển sinh. Bởi ít nhất, phương án này cũng thoả mãn được tiêu chí hiệu quả, hay nói đúng hơn là tránh lãng phí, trong đó bao gồm cả “lãng phí niềm tin” từ phía người dân vào Bộ GD-ĐT.

Phạm Hiệp

-------------

1.      Khoảng 2 triệu sinh viên, chiếm 26% số người ở độ tuổi 18-22 trong giai đoạn hiện nay so với con số tương ứng hơn 100,000, dưới 5% và 1 triệu, dưới 10% của 30 năm và 10 năm trước kia.

2.      Làm cơ sở toàn phần hay một phần phụ thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng ngành, lĩnh vực cũng như năng lực tổ chức khảo thí của từng trường. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thường những trường đào tạo chuyên ngành đặc thù hoặc thuộc top trên sẽ vẫn tổ chức thi/xét tuyển thêm theo những tiêu chí riêng, ngoài việc sử dụng một phần kết quả kỳ thi trên.

3.      Dễ giải quyết hơn không có nghĩa là không khó. Những lúng túng của Bộ GD-ĐT trong việc tính toán điểm ưu tiên mùa tuyển sinh vừa qua chứng minh điều này.


Một Thế Giới