Dạy tiếng Anh nhưng nói tiếng Việt nhiều hơn
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:19, 05/02/2015
Tại buổi tọa đàm giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 4.2, nhiều đại biểu nêu rất thật thực trạng giảng dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường ĐH hiện nay.
Không đăng ký được vào lớp nào nên phải học lớp tiếng Anh!
Năm 2014, Trường ĐH Khoa học tự nhiên có 4 lớp giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh theo chương trình đại trà, với sĩ số từ 10 - 25 sv/lớp.
Theo tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng bộ môn công nghệ phần mềm, số SV có thể học được bằng tiếng Anh không nhiều. Trong đó có những SV thừa nhận do không đăng ký được vào lớp nào nên đành theo học lớp này, tức việc học tiếng Anh không phải là sự lựa chọn của SV.
Còn tiến sĩ Trương Vũ Thanh, GV Khoa Kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa, chia sẻ: “Với chương trình đại trà, trường xếp giờ học lớp tiếng Anh trước lớp tiếng Việt để nếu SV lớp tiếng Anh cảm thấy "lùng bùng” thì có thể học bổ sung kiến thức ở lớp tiếng Việt”.
Giảng viên đạt chuẩn... đếm trên đầu ngón tay
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2014 của ĐH Qụốc gia TP.HCM, một trong những khó khăn lớn nhất là số lượng GV tiếng Anh không chuyên thấp so với quy mô đào tạo, đại đa số có trình độ tiếng Anh vừa đủ chuẩn C1 và chưa có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh đúng chuẩn quốc tế.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Qụốc gia TP.HCM, nhìn nhận: “Có thể nói vấn để giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh rất khó với GV. Số lượng GV có thể dạy bằng tiếng Anh thực sự không cao, có những khoa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn về chất lượng, GV đạt trình độ C1 đúng nghĩa cũng không nhiều. Ngay cả trong một trường có môi trường tiếng Anh khá tốt vẫn có tình trạng SV đánh giá chưa cao việc giảng dạy bằng tiếng Anh của GV”. ’
Tiến sĩ Trương Vũ Thanh cho biết tỷ lệ GV có khả năng giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh tại khoa này là 1 GV/130 SV. Tiến sĩ Đinh Bá Tiến cho rằng đây thực sự là con số cực kỳ khủng khiếp. Nếu tính cả số SV ngoài chương trình chính quy thì còn thấp hơn nữa. Tiến sĩ Tiến còn cho rằng việc giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường chưa có lộ trình nên có những môn học chuyên ngành được đưa vào giảng dạy bằng tiếng Anh quá nặng lý thuyết. “Những môn học như vậy quá nhiều từ ngữ, SV học một hồi thì chẳng hiểu gì cả” tiến sĩ Tiến nói.
Theo Hà Ánh (Thanh Niên)