Nhiều chuyên gia về Quảng Ngãi tìm hiểu rắn lục đuôi đỏ
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:20, 08/12/2014
Tối ngày 5.12, phóng viên chúng tôi cùng đoàn công tác của các chuyên gia và lực lượng kiểm lâm Quảng Ngãi về xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Xã Đức Chánh là một trong những xã được xem là “điểm nóng” rắn lục đuôi đỏ xuất hiện, cắn người thời gian qua.
Mỗi người mỗi đèn pin sáng, vạch từng bụi rậm, cành cây tìm rắn lục. Tại đây đoàn đã phát hiện rắn lục đuôi đỏ sinh sống trên cành cây gần lối đi sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Chỉ vào con rắn lục đuôi đỏ, Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết: Rắn lục trên thường sống bụi rậm, treo mình trên cành cây. Nó thường hoạt động ban đêm, kiếm thức ăn. Ban đêm vô tình người dân đụng rắn, rắn tưởng là con mồi nên cắn. Tập tính rắn lục đuôi đỏ sinh sản thời điểm tháng 8 đến tháng 10. Còn trước đó thời điểm giao phối khoảng tháng 3 đến tháng 5.
Huyện Mộ Đức là địa phương có nhiều người dân bị rắn cắn phải cấp cứu trong hai tháng qua. Các chuyên gia lần lượt ghi nhận thông tin từ những nạn nhân bị rắn cắn và thu thập mẫu vật để phân tích nguyên nhân loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường ở khu dân cư.... Sau chuyến công tác, các chuyên gia tập trung phân tích, nghiên cứu để đề xuất giải pháp phù hợp cho người dân ứng phó với rắn lục đuôi đỏ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, muốn biết rõ nguyên nhân vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường trong thời gian gần đây cần phải có nghiên cứu cụ thể. Một trong những nguyên nhân cơ bản là nguồn thức ăn dồi dào và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng, khu vườn rậm rạp.
Trước tình trạng xuất hiện nhiều rắn lục trong thời gian gần đây, nhiều người bị cắn đã phải nhập viện, gây tâm lý lo lắng cho người dân, các chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật và Tổng cục Lâm nghiệp khuyên người dân cần phát quang các bụi rậm, dây leo quanh nhà để tránh rắn xâm nhập vào nhà. Bởi rắn lục đuôi đỏ thường sống ở trên các bụi cây ven rừng, nương rẫy hoặc vườn nhà dân, khi di chuyển có thể bò trên đất.
Rắn thường hoạt động ban đêm, nếu đi lại vào ban đêm cần có đèn pin soi hai bên lối đi để kịp thời phát hiện rắn ở ven đường đi. Trong trường hợp đi rừng cần đi giầy, ủng. Bắt rắn cần có dụng cụ (gậy, kẹp, găng tay da).
Theo Báo Quảng Ngãi