Tôi muốn nhà khoa học lương 200 triệu đồng/tháng!
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 09:38, 06/12/2014
Chuyện ông Viện trưởng lương chỉ 8 triệu đồng/tháng nhắc đến tại hội nghị bàn về giống, cây con trong nông nghiệp hôm qua 5/12, khiến không ít nhà khoa học chạnh lòng. Tuy nhiên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói: "Tôi rất muốn nhà khoa học được hưởng lương 100, 200, thậm chí 500 triệu/tháng, nếu họ đem lợi ích cho xã hội".
Theo Bộ trưởng Phát, thời gian qua, dù các đơn vị nghiên cứu nhà nước tạo rất nhiều loại giống cây, con, nhưng nhiều giống không có tính đột phá, vượt trội, kém bền vững. Đáng lưu ý, hơn 100 giống lúa, tới hơn 60% là giống từ các doanh nghiệp (DN); cây lâm sản, làm thuốc ít giống mới, thủy sản vẫn xoay ba con chính là cá tra, tôm, nhuyễn thể…
Nói về kết quả nghiên cứu thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, trong 2-3 năm gần đây, viện này chuyển 7-8 giống, có giống chuyển giao cho 4-5 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghe xong lời trên, Bộ trưởng Phát nói: “Anh Khanh hãy trả lời tôi, vì sao nhà khoa học khi làm cho viện thì không có giống tốt, nhưng làm cho DN lại ra giống tốt?”.
Nhiều giống lúa trên thị trường do doanh nghiệp chọn tạo.Ảnh minh họa
Ông Khanh nói: “Bây giờ, có DN tiếp cận chính thống với viện, nhưng có DN tiếp cận trực tiếp với nhà khoa học. Có nhà khoa học của viện làm ra giống lúa, nhưng viện cũng không kiểm soát được. Ở viện, ông Viện trưởng lương cũng chỉ 8 triệu đồng/tháng, nhưng khi nhà khoa học đến DN, họ trả tới 25-30 triệu đồng/tháng”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Chăn nuôi Quốc gia chia sẻ: “Viện trưởng lương 8 triệu đồng, anh làm được cái gì? Anh em khoa học nghe cũng chạnh lòng…DN mời nhà khoa học về trả lương 40 triệu đồng, cấp ô tô, trong khi làm cho ông Sơn chỉ 5-7 triệu đồng. Vậy lựa chọn nghề nghiệp hay mưu sinh? Quả là khó. Nhiều nhà khoa học trẻ họ đi theo hướng mưu sinh”.
Theo ông Sơn, mỗi năm đầu tư cho chương trình giống của viện 60 tỷ đồng (khoảng 3 triệu USD). Trong khi đó, tập đoàn Grimaud đầu tư tới 40 triệu Euro để đưa ra giống vịt, cạnh tranh với giống của Viện Chăn nuôi Quốc gia. Ông Sơn cho rằng, với cách làm khoa học, theo kiểu kinh phí đăng ký 10 tỷ đồng, nhưng được cấp 1 tỷ đồng, cũng không hy vọng sản phẩm nó sẽ tốt hơn. “Tới đây, Bộ nên đặt hàng những sản phẩm chủ lực. Ngoài vốn tự có của viện, chúng tôi sẽ phối hợp với DN, kết hợp với những nguồn vốn khác để tạo ra sản phẩm cuối cùng”- ông Sơn nói.
Chúng ta là trí thức, không biết nuôi nổi chính mình, không nghĩ cơ chế cho mình tốt hơn thì làm sao nghĩ được cơ chế cho đất nước tốt hơn”
Không hài lòng với lời giải thích, Bộ trưởng Phát nói: Các anh nói lương Viện trưởng chỉ 8 triệu đồng, nhưng chỗ anh Báo (ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Cty Giống Cây trồng Thái Bình) trung bình cán bộ công nhân viên đã 500 USD/tháng, cũng khoảng 11 triệu đồng. “Nhà nước cấp 700 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu, trong đó một nửa trả lương…Chúng ta là trí thức, không biết nuôi nổi chính mình, không nghĩ cơ chế cho mình tốt hơn thì làm sao nghĩ được cơ chế cho đất nước tốt hơn”- ông Phát nói. Theo ông Phát, thực tế nhiều giống lúa, bảo là của DN nghiên cứu, nhưng DN cũng phải thuê một số nhà khoa học. Nhà khoa học đó đem tài năng, kết quả, thậm chí một số đề tài nghiên cứu mà ở viện, nơi mà họ đã ăn lương nhà nước để nghiên cứu, mới tạo ra được giống lúa đó. “Về mặt cá nhân đúng là có vấn đề, nhưng về mặt xã hội, tôi cực kỳ hoan nghênh, vì tạo giống tốt cho cho xã hội. Vậy phải có cơ chế nào để minh bạch mối quan hệ đó. Tôi rất muốn nhà khoa học được hưởng lương 100, 200, thậm chí 500 triệu đồng/tháng, nếu tài năng của họ đem lại lợi ích cho xã hội”- ông Phát nói.
Theo Phạm Anh
(Tiền Phong)
Một Thế Giới