Nghề giáo đã ôm trọn cuộc đời người phụ nữ tôi yêu thương nhất!

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:27, 20/11/2014

Sáng nay tỉnh giấc, không gian như được thổi một luồng sinh khí, lạ và tươi mới. Mọi ngả đường đã tràn ngập những nụ hồng khoe sắc thắm và đâu đó trong con hẻm nhỏ đã vang lên tiếng gọi í ới của bao cô cậu học trò rủ nhau thăm thầy thăm cô. Nơi thành phố xa lạ trong không khí ngày Nhà giáo Việt Nam sắp chạm ngõ, lòng tôi lại xốn xang nghĩ về mẹ. Vì mẹ tôi cũng là cô giáo! Và nghề giáo đã ôm trọn cuộc đời người phụ nữ tôi yêu thương nhất!
Thời gian như dòng chảy đưa tôi tìm về những năm tháng tuổi thơ mở ra một chân trời kỉ niệm. Cách đây 15 năm, tôi còn là cô bé học mầm non ở ngôi trường làng nhỏ bé, cũ kĩ ngay đầu xóm, mẹ là cô giáo duy nhất ở đó. 
Mỗi sáng, mẹ khẽ nắm đôi bàn tay tí hon dẫn đến lớp. Những lúc con đường làng quê tôi nhão nhẹt đất đỏ mỗi mùa mưa về, tôi lại được đến trường trên lưng mẹ, đôi bàn chân mẹ bấu chặt vào đoạn đường trơn như mỡ, từng bước một, chắc chắn. 
Khi ấy, mẹ là cô - cô là mẹ nên đọng lại trong tôi ngày 20.11 là cảm giác hãnh diện và thích thú khi mẹ được tặng những nụ hoa được bọc trong giấy gương xinh xinh và chai sữa tắm thơm thoang thoảng của những đứa bạn cùng lớp. Năm ấy, tôi chưa biết chúc mẹ ngày Nhà giáo Việt Nam.
Năm tôi lên cấp 1, đến ngày 20.11, mẹ dắt tôi đi chợ lựa quà cho thầy cô, là xấp vải, cái kẹp được đính hạt lóng lánh và không quên những nụ hồng được bọc giấy gương sáng chói. Mẹ đèo tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, tôi ngồi sau lưng, ôm túi hoa và quà mà mỉm cười thích thú. Nhưng tôi lại quên mất rằng, hôm nay cũng là ngày dành cho mẹ. 
Năm ấy, tôi không chúc mẹ.
Cách đây 8 năm, hình như đã hơi lớn hơn một chút. Tôi đã tự biết đi thăm và được mẹ cho tiền chung với các bạn mua quà tặng thầy cô. Nhà tôi vẫn thi thoảng đón khách- là những cô cậu bé lớp mẫu giáo, kể cả những học trò cũ được mẹ dạy bảng chữ cái và đọc “o tròn như quả trứng gà. Ô thì có mũ. Ơ thì thêm râu”. 
Khi ấy, mới giật mình biết rằng, mẹ cũng là cô giáo. 20.11 năm tôi học lớp 6, đứa trẻ năm nào đã biết chúc mẹ một ngày lễ 20.11 hạnh phúc. Mẹ mỉm cười!
Năm tôi vào cấp 3, mẹ đã ngoài 40, bụi phấn đã nhuốm màu sương gió lên mái tóc. Một sáng mẹ xõa tóc gội đầu trước hiên nhà, lòng tôi se sắt khi nhận ra mẹ đã sang bên kia con dốc cuộc đời với mái tóc điểm vài giọt sương. 
Đôi mắt mẹ cũng chẳng còn tinh anh như ngày nào vậy mà vẫn miệt mài với đôi gọng kính chấm điểm từng bức tranh lem luốc màu của những cô cậu lớp lá, lớp chồi. 20.11 năm ấy, tôi đã tự tay vào bếp nấu một bữa thật ngon dành tặng mẹ ngày Nhà giáo Việt Nam. Mẹ nhìn tôi, hiền từ: Con mẹ lớn thật rồi!
Năm 18 tuổi, tôi đặt bút dự thi vào Đại học Sư phạm, đi theo mong ước của mẹ: “Làm nghề giáo tuy cực nhưng thanh thản con à!”. Từ dạo ấy, tôi nguyện gắn đời mình với bục giảng, trang sách, gắn tâm hồn với màu áo trắng và ánh mắt ngây dại của học trò. 
Trở thành một sinh viên chuyên ngành Sư phạm, tôi bắt đầu với công việc làm gia sư và có những đứa học trò nhỏ. Và khi ấy, tôi mới thực sự hiểu ý nghĩa của nghề giáo. Tôi đã yêu nghề giáo, yêu từ tiếng gọi “cô” trong trẻo, yêu cả tấm thiệp bé xinh học trò tự tay vẽ tặng bằng nét chữ nguệch ngoạc và yêu vì mẹ tôi cũng là một nhà giáo. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến nghề giáo đã ôm trọn cuộc đời người phụ nữ tôi yêu thương nhất!
Giữa không gian ngập tràn hương sắc nơi Sài thành nhộn nhịp, giữa những nụ hồng đua nhau bung nở và trên trang báo tường được chăm chút từng nét bút, lòng tôi lại bồi hồi nghĩ về mẹ- về người cô đầu tiên của năm tháng tuổi thơ. 
20.11 năm nay, tôi bận rộn với những giờ thực tập kết thúc bốn năm giảng đường Đại học. Một cuộc gọi đường xa chúc mẹ 20.11 mà lòng nghẹn lại, chỉ muốn khóc thật to như thuở còn được mẹ cõng trên lưng đến lớp. Giọng mẹ ấm áp: “Cô giáo tương lai đừng nhõng nhẽo nữa!”. Và đến giây phút ấy, tôi mới nhận ra, món quà lớn nhất dành tặng mẹ ấy chính là sự trưởng thành và nên người của tôi!
Nguyên Dung
(Gửi tặng cô Trần Thị Thu- giáo viên tại huyện Duy Xuyên- Tỉnh Quảng Nam)

Một Thế Giới