Tâm sự của 'ông thầy thường cho học sinh ăn trứng ngỗng'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:19, 20/11/2014
Nổi tiếng ‘món la’
Cái tên Thiếu Hòa có lẽ gần giống tính cách anh, hay la mắng học trò. Năm 1990, ông Hòa tốt nghiệp đại học sư phạm Sinh Quy Nhơn. Về quê anh nhận dạy ở trường THPT Tư Nghĩa 2, rồi chuyển qua dạy ở trường THPT Trần Quang Diệu 15 năm, từ năm 2010 chuyển về dạy tại trường THPT Phạm Văn Đồng.
Nhiều học trò giờ thành đạt, nhớ đến anh bởi cái ‘món la’ không giống ai của thầy. Anh rất nghiêm khắc, học trò mà cứ chậm hiểu, lười học, không tập trung là y như "ăn la" ngay.
Ở nhà dạy thêm cho học trò, anh la như ở chợ. Bố vợ hỏi "tụi nó tới đây học sao mày la nó dữ vậy?". Ông đáp, tụi nó thi những trường cao điểm, 27, 28 điểm, không la sao tụi nó lo chăm học để mà thi đậu được.
Thầy giáo nổi tiếng hay la mắng học trò tâm sự: “Biết la là sai, không đúng với phương pháp giáo dục mới nhưng mình thương học trò mới la nó chứ không thì mắc gì mình phải làm vậy, nó không học được thì thôi”.
Ấy vậy mà, nhờ những trận la mắng để đời, học trò ông nối tiếp ra trường đã bao năm nay đều học hành đỗ đạt cao.
"Người ta dạy thêm còn tui dạy bớt"
Học trò "ngán" anh nhưng lại theo học anh rất nhiều. Nhiều cô trò tới thăm còn nói, đi học thêm thầy, ai có thì nộp, không có cũng chẳng sao, miễn là chăm học. Anh bảo: “Người ta dạy thêm còn tui dạy bớt”.
Anh kể, năm 2010 về làm chủ nhiệm một lớp tại trường THPT Phạm Văn Đồng, có một cậu học sinh quậy nên xếp hạnh kiểm trung bình. Phụ huynh lên chửi thầy từ lớp lên phòng giám hiệu. Không buồn lòng, anh ghi rõ lại những sai phạm của học sinh rồi mời phụ huynh lên cùng phân tích, nói rõ. Phụ huynh nhận ra được sai phạm của con, thế là học kỳ hai cậu này ngoan hẳn, đạt học sinh tiên tiến, hạnh kiểm khá. Vậy là ông bố của cậu học sinh đã hiểu được tâm người thầy, nhờ hẳn thầy kèm cặp cậu quý tử.
Thậm chí, có lớp 12A. học sinh cá biệt nhiều lắm, thậm chí học sinh còn viết chửi bậy thầy giáo lên bảng. Thầy chủ nhiệm bí quá nên nhờ thầy giáo Hòa qua chủ nhiệm thay. Rồi anh cũng trị được lũ "tiểu quỷ". Lớp lúc đầu đứng thứ 35 của trường về thi đua, sau dần dẫn lên top đầu.
Không chỉ tâm huyết cho việc dạy học, thầy Hòa còn rèn dũa học sinh bằng cả tâm can của người cha, người mẹ. Có dạo, một học sinh nghỉ học 3 ngày không tới lớp, thầy liền gọi điện báo cho gia đình kiểm tra. Gia đình học sinh bảo rằng "để hỏi lại con đã, nếu con đồng ý đi học thì đi mà bỏ thì đành chịu". Nghe vậy, thầy trình bày hoàn cảnh ra hội đồng nhà trường, nhiều giáo viên nói nên kỷ luật về ý thức học tập của học sinh.
Nhưng thầy Hòa không muốn làm vậy. Anh bảo gia đình đã bỏ cậu học sinh này mà giờ người thầy còn bỏ nữa thì nó sẽ làm sao? Vậy là anh cố gắng thuyết phục cậu học trò quay trở lại học tập và trở thành học sinh ngoan.
Hào phóng "trứng ngỗng"
Như đã nhận, thầy Hòa nói “biết la là sai, không đúng với phương pháp giáo dục mới", thế nên thầy giáo này không ngại ngần đánh giá thẳng thừng học lực của học sinh qua hạnh kiểm, điểm số.
Theo anh, kinh nghiệm để truyền đạt kiến thức và giảng dạy học sinh tốt là phải có kiến thức chuẩn, biết dẫn dắt học sinh linh hoạt, nói chung phải làm được và nói được.
Thầy bảo: “Cái điểm 0 là để mình giáo dục học sinh, cho học sinh 0 điểm là để nó lo học rồi sau này sẽ có những điểm 7, điểm 9 theo nỗ lực của các em”.
Thế nên, học sinh nào quậy, học kém, lười nhác, học yếu thường "ăn trứng ngỗng" của thầy Hòa thường xuyên. Học sinh ngoan ngoãn, cố gắng học hành nhưng học lực yếu thì thầy chấm điểm 7 để khuyến khích nỗ lực.
Vậy mà, từ những điểm 0, học sinh của thầy Hòa đỗ đạt, học đại học khắp Đà Nẵng, Sài Gòn…
Năm 2007, thầy Hòa bị tai nạn xe máy gãy tay. Lần đó, do liên tục thức khuya để viết báo cáo tổng hợp, làm đề thi giáo viên giỏi, chia thời khóa biểu nên thầy thường xuyên về muộn. Hôm xảy ra tai nạn, sau nhiều đêm thức khuya nên lúc đang trên đường chạy xe từ trường về nhà thì thầy Hòa bị mệt. Chỉ cách nhà còn 10 phút thì bỗng có một xe chở cây bị đổ, không kịp trở tay nên xe máy bị loạng choạng, đâm sầm xuống làm thầy Hòa bị gãy cánh tay phải. Lúc đầu tưởng nhẹ nhưng không ngờ đầu cánh tay bị đứt hẳn dây thần kinh.
Cánh tay phải bị liệt, thầy Hòa bắt đầu lại bằng việc học chữ từ cánh tay trái. Ảnh: Lê Đình Dũng. |
“Lúc đó đang điều trị ở bệnh viện Quảng Ngãi nhưng nặng quá nên bác sỹ chuyển gấp tôi ra bệnh viện Đà Nẵng. Trúng vào cơn bão Xan-Xen, người bị tai nạn đông vô kể. Học sinh của tôi đang học đại học ở Đà Nẵng nghe tin thay nhau mua mì tôm, đèn dầu lên trực. Tự nhiên tôi chảy nước mắt và ấm lòng hẳn”, thầy Hòa xúc động nhớ lại.
Chữa trị ở Đà Nẵng không dứt, người nhà chuyển thầy vào Sài Gòn. Lúc đầu, những người cùng phòng thấy tôi bị tai nạn vậy thấy họ có ý nghĩ rằng thầy bà gì mà chắc là nhậu nhẹt say xỉn nên tai nạn. Nhưng sau học sinh cũ đang học ở Sài Gòn, nghe bạn bè báo tôi đang ở đây nên đạp xe đến thăm. Những người cùng buồng bệnh thấy vậy lại sinh ra cảm tình.
Đến nay, cánh tay phải của thầy Hòa đã liệt hẳn. Khi được hỏi “lúc biết không thể chữa trị được cánh tay phải nữa tâm trạng thầy sao?”, thầy cười bảo: “Tui chỉ nghĩ một điều là không viết được nữa sẽ không được đi dạy nữa. Nhưng muốn đi dạy nên tui quyết viết lại bằng tay trái. Lúc bắt đầu tập, cô bé học sinh cũ đang học ở Sài Gòn mua cuốn tập viết lên động viên tôi viết. Mình già rồi nên tập viết lâu hơn con trẻ, mất khoảng 3 tháng. Giờ thậm chí viết tay trái còn đẹp hơn tay phải nữa”.
“Giờ bị tai nạn nên sức khỏe xuống hẳn, trí nhớ cũng giảm dần. Nhiệt huyết thì vẫn như xưa nhưng chỉ sợ lúc nào đó mình không đóng góp được nhiều cho việc dạy dỗ học sinh thì buồn lắm. Vợ tôi bảo, nhiều người có nhiều thứ mà anh không có, nhưng anh lại có những thứ mà không ai có. Tôi cũng ấm lòng, dù cánh tay đã mất", thầy Hòa tâm sự.