Yến huyết nhãn hiệu MaMi bị tố có độc!
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:17, 08/08/2014
Người mua: “Tưởng yến huyết bổ, ai ngờ ngộ độc”
Người phản ánh sự việc ăn yến huyết bị ngộ độc với phóng viên là chị H.P. (ngụ quận 1, TP.HCM) một doanh nhân trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Chị P. cho biết, trong nhà có đứa cháu trai và người em dâu biếng ăn, sợ suy nhược nên thường mua tổ yến cho ăn. Chị thường tham khảo thông tin trên trang fanpage Yến Sào Mami và mua hàng tại đại lý của nhãn hiệu này. “Cách đây một tháng, thấy fanpage trên quảng cáo về sản phẩm mới là yến huyết nhà. Thấy quay cảnh thu hoạch tổ yến tận nơi, quy trình rất cụ thể nên tôi tin tưởng. Tôi lập tức đi mua, giá có cao hơn so với yến hũ hay tổ yến thường (4 triệu đồng/50gr - NV). Tưởng ăn yến huyết thì bổ hơn, ai ngờ…”.
Hộp yến huyết chị P. mua ở Yến Sào Mami được đưa đi kiểm nghiệm. Ảnh: H.A.T |
Kiểm nghiệm: phụ gia vượt ngưỡng 41 lần!
Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM yêu cầu chị P. mua một hộp yến huyết nhà còn nguyên hộp, nguyên tem của Yến Sào Mami (ngày 26.5.2014). Một tuần sau, kết quả phân tích mẫu này chứa natri nitrite với hàm lượng 5.166mg/kg, cao gấp 41 lần ngưỡng natri nitrite được phép sử dụng trong thịt theo thông tư 27/2012/TT-BYT hướng dẫn việc sử dụng phụ gia thực phẩm.
Kết quả kiểm nghiệm mẩu yến huyết của Yến Sào Mami lần thứ hai. Ảnh: H.A.T |
Khi kiểm tra mã vạch trên Yến Sào Mami, lại hiện ra địa chỉ một công ty khác!. Ảnh: H.A.T |
Người bán: “Yến huyết tự nhiên, không pha chế”
Lý giải về việc sản phẩm Yến Sào Mami nhưng lại có mã vạch công ty khác, bà Quyên trả lời: “Công ty Yến Sào Mami trước đây ký hợp đồng gia công hũ với một đơn vị gia công đặt trụ sở chính tại Nha Trang, và mã vạch là của đơn vị gia công này. Vì vậy khi tra nguồn gốc mã vạch khách hàng sẽ thấy công ty tại Nha Trang là công ty TNHH Góc Xanh. Hiện nay Yến Sào Mami đã có mã vạch mới của chính Yến sào Mami, bắt đầu từ tháng 8 sắp tới, các lô hàng mới khi truy nguồn mã vạch sẽ thấy đơn vị là công ty Yến Sào Mami”.
Theo Người Đô Thị
Ý kiến chuyên gia:
Natri nitrite có thể gây ung thư
TS. Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa Kỹ thuật hoá học (đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết:
Natri nitrite, với công thức NaNO2, được dùng như một chất hãm màu và chất bảo quản trong thịt và cá, trong sản xuất thuốc nhuộm... Là một phụ gia thực phẩm, NaNO2 vừa thay đổi màu sắc của cá và thịt đã được bảo quản, vừa ngăn sự phát triển của clostridium botulinum - vi khuẩn gây chứng ngộ độc thịt. Thực ra phụ gia này dùng trong xúc xích, nem, tré… giúp bảo quản thực phẩm lâu nhờ tính chất sát khuẩn nhẹ. Tuy nhiên, theo TS. Bích Lam, NaNO2 lại là chất độc nếu ở hàm lượng cao đối với động vật kể cả người. NO2 là ion vô cơ chứa nitơ, nitrit có tác dụng oxy hoá hemoglobin (huyết sắc tố) trong hồng cầu, biến hemoglobin thành methemoglobin, trẻ em mắc chứng bệnh này thường xanh xao và dễ bị đe doạ đến mạng sống, đặc biệt là trẻ dưới sáu tháng tuổi.
ThS. Lê Thanh Hải, trưởng phòng thí nghiệm Hoá sinh - vi sinh, đại học Hùng Vương, TP.HCM, cho biết khi vượt ngưỡng cho phép, tuỳ thuộc vào liều lượng, tần suất tiếp xúc mà NaNO2 sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên thận gây viêm thận, tê bì chân tay, rối loạn thần kinh. Ông Hải cho biết, khi bị ngộ độc nitrit thì cơ thể không thể làm tròn chức năng hô hấp, có các biểu hiện khó thở, ngột ngạt, thậm chí choáng váng và ngất. Trường hợp nhiễm độc trầm trọng, nếu không được cứu chữa kịp thời có nguy cơ tử vong cao. Ông Hải lưu ý: “Nitrit, nitrat kết hợp protein trong cơ thể tạo nitrosamine (hợp chất gây ung thư). Ăn phải liều lượng nhiều, đồng nghĩa nitrosamin được tạo ra nhiều, cơ thể không kịp đào thải, nitrosamin tích luỹ trong gan gây nhiễm độc gan, ung thư gan”.
Nhiều người đã hiểu nhầm yến huyết
Bà Trần Việt Minh, một người nuôi yến nhà ở Cà Mau, có đại lý bán yến ở TP.HCM, khẳng định yến nhà thì không thể có yến huyết.
Bà Minh cho biết trong những chuyến tập huấn về nghề nuôi và khai thác yến, vẫn nghe thông tin có những người hiểu nhầm (hoặc cố tình hiểu nhầm) yến huyết là do yến tiết ra máu để làm tổ, ăn bổ hơn yến thường. Thật ra, màu của tổ yến phụ thuộc môi trường yến làm tổ. Bà Minh kể, có những người đến đại lý của bà chào hàng yến huyết có nguồn gốc Malaysia, giá nhập vào rẻ hơn rất nhiều so với yến nuôi ở Việt Nam: “Họ bảo đã xử lý qua công nghệ tinh vi, nhuộm màu nên rất khó phân biệt đó là yến nhập. Tôi thấy không rõ nguồn gốc, không chứng minh được nhuộm phụ gia gì, có phải chất cấm hay không nên tôi không nhập mà chỉ bán yến nhà nuôi”, bà Minh nói.
Một số diễn đàn mạng cũng đã cảnh báo: yến sào là mặt hàng thường xuyên bị làm giả bằng những chiêu thức: yến trắng đem nhuộm thành yến huyết, yến độn, yến làm bằng tinh bột, phun sương để tăng trọng lượng. Trong đó, với yến độn có thể dùng những tổ yến vỡ rồi vá, độn thêm tinh bột vào tổ yến; hoặc dùng đường hoá học độn vào yến tinh chế để tăng trọng... Có blog còn lột trần quy trình làm yến sào, đính kèm hình ảnh chi tiết, theo đó để trở thành yến huyết, hoặc yến đặc biệt bán giá cao hơn, người ta nhuộm thêm màu vàng, đỏ... Bài viết còn cung cấp thông tin Malaysia và Indonesia mỗi năm sản xuất ít nhất 800 - 2.000kg tổ yến. Một số nhà máy sử dụng H202 để tẩy mùi của tổ yến (tức ôxy già, có thể gây ung thư).
Theo kinh nghiệm của một số nhà nuôi yến, yến huyết khi nhúng vào nước trà nếu là yến giả nhuộm ôxit sắt thì đen sẫm lại. Hoặc đem ngâm trong nước, tổ yến giả nhuộm phẩm sẽ mất màu, tan trong nước, còn tổ yến thật cho dù nấu chín trong nước sôi vẫn không đổi màu.
Cục An toàn thực phẩm:
Tháng 8 sẽ kiểm tra thị trường yến sào
Trước thông tin yến huyết bị phản ánh chứa chất độc hại, TS. Trần Quang Trung, cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế), cho biết hiện nay lực lượng thanh kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm còn thiếu, trong khi trên thị trường khá nhiều mặt hàng cần kiểm tra.
“Nói như vậy không phải cục An toàn thực phẩm lơ là với mặt hàng yến sào. Trên thực tế chúng tôi đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện sai phạm. Việc kiểm tra được tiến hành theo đợt và đều có thông báo kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Trung giải thích.
Ông Trung cho biết, mặt hàng yến sào có cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Với mặt hàng nhập khẩu, trách nhiệm thuộc cả các ngành khác như hải quan khi nhập vào phải đủ giấy tờ mới cho thông quan, như giấy chứng nhận chất lượng, giấy xuất xứ… Với mặt hàng trong nước, cục An toàn thực phẩm kiểm tra ở khâu sản xuất và lưu thông trên thị trường. Mẫu yến sào được lấy ngẫu nhiên và đem đi kiểm nghiệm. “Việc quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền cho người dân những thực phẩm nào an toàn và không an toàn. Cơ quan chức năng sẽ có những cảnh báo với cộng đồng. Cụ thể, cục An toàn thực phẩm sẽ có văn bản thông báo về tình trạng báo chí phản ánh. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát sự gian lận của người kinh doanh không phải lúc nào cũng phát hiện hết. Cục sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị trực thuộc có ý kiến với các địa phương”, ông Trung nói. Về phía người tiêu dùng, ông Trung lưu ý nên đến mua sản phẩm yến sào ở những cơ sở có uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận. “Về phía nhà quản lý, chúng tôi tiếp tục có những đợt kiểm tra mặt hàng này. Cụ thể, ngay tháng 8 cục sẽ yêu cầu tiến hành kiểm tra mặt hàng yến sào”, ông Trung nhấn mạnh.
Lệ Hà