Ngại Triều Tiên, Mỹ ‘phớt lờ’ phản đối phòng thủ tên lửa của Nga

Chuyển động - Ngày đăng : 08:14, 13/01/2016

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố NATO không thể đồng ý với yêu cầu hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga, do lo ngại mối đe dọa từ Triều Tiên.

Ngày 12.1, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết các nước thành viên NATO không thể hạn chế chương trình phòng thủ tên lửa theo yêu cầu của Nga, khi mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên vẫn còn hiện hữu.

Tuyên bố vào tuần trước của Triều Tiên cho biết nước này đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, một bước tiến về khả năng của quốc gia Đông Á trong kế hoạch tấn công Nhật Bản và Mỹ. Điều này khiến Washington càng tỏ ra quyết tâm đối với chương trình phòng thủ tên lửa, bất chấp sự phản đối từ Nga.

Frank Rose, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách kiểm soát và thanh sát vũ khí Mỹ, nói với các phóng viên tại Brussels rằng: “Chúng tôi không đồng ý có bất kỳ hạn chế nào trong hệ thống phòng thủ, bởi vì Mỹ và NATO cần sự linh hoạt để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng và nguy hiểm.
He thong phong thu ten lua, NATO, Han Quoc, Nhat Ban, Binh Nhuong
Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO có thể làm suy yếu sức mạnh quân sự Nga. 
Triều Tiên có một số lượng lớn tên lửa đạn đạo và thường xuyên tiến hành các cuộc thử nghiệm bất chấp sự phản đối từ các nước. Hiện tại, Bình Nhưỡng có thể tiến hành các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và khả năng Mỹ cũng đối mặt với các mối đe dọa từ quốc gia này”.

Mặc dù tỏ ra nghi ngờ đối với tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch của Bình Nhưỡng, Washington trước đó cảnh báo quân đội Triều Tiên đang phát triển các tên lửa đạn đạo tầm xa, có khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ. Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO, triển khai từ năm 2010, là nguyên nhân gây ra sự căng thẳng giữa Nga và liên minh do Mỹ dẫn đầu. Năm 2015, Nga đe dọa tấn công tàu chiến Đan Mạch bằng tên lửa hạt nhân nếu Copenhagen tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Theo giới chức Moscow, sức mạnh của kho vũ khí hạt nhân Nga sẽ suy giảm nếu Đan Mạch triển khai các hệ thống phòng thủ.

Ông Rose nói thêm rằng: “Mối quan tâm chính của Moscow là trong tương lai, khi các ràng buộc pháp lý hiện tại hết hạn, liệu NATO có phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng hóa giải sự răn đe chiến lược của kho vũ khí hạt nhân Nga hay không”.

Trong năm 2012, NATO đã thống nhất kế hoạch triển khai nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Romania đã đồng ý thiết lập một lá chắn phòng thủ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có một hệ thống radar phòng thủ tên lửa bên trong lãnh thổ. Ngoài ra, Mỹ cũng điều một tàu khu trục đến Tây Ban Nha vào tháng 9.2015, tạo nên một lá chắn tại quốc gia này.

Hàn Giang (theo Reuters)

Một Thế Giới