Thổ Nhĩ Kỳ đầy tham vọng khi tự đóng tàu sân bay

Chuyển động - Ngày đăng : 19:03, 10/01/2016

Nhằm vươn xa ra Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tự đóng tàu sân bay, bất chấp sự chỉ trích đây là một dự án quá lãng phí, vượt quá khả năng của nước này.

Trang The Daily Beast (Mỹ) nêu chuyện Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) tự đóng tàu sân bay, dẫn nhật báo Milliyet (TNK) đưa tin TNK đang đóng một “tàu đổ bộ đa năng” có tên Anadolu (hoặc Anatolia). Nó sẽ là “tàu đô đốc” khi được đóng xong trong năm 2021.

Chủ công ty đóng tàu Sedef (ở Istanbul) là Orkun Kallavan nói ông tự hào vì được tham gia thể hiện sức mạnh của công nghiệp quốc phòng TNK, với một tàu hiện đại có thể “hoạt động xuyên lục địa”.

Ông nói hợp đồng đóng tàu mới ký năm ngoái, với Công ty Navantia (Tây Ban Nha) là đối tác kỹ thuật. Hợp đồng này trị giá hơn 1 tỉ USD.

Anadolu sẽ là “tàu mẹ” của hải quân TNK, do là tàu chiến lớn nhất và được trang bị hiện đại nhất. Tàu này dài 225m, rộng 32m, nặng tổng cộng 28.000 tấn.

Anadolu có thể chở 8 trực thăng tấn công, một tiểu đoàn quân đổ bộ 700 lính và 1.400 thủy thủ.

Đường băng của Anadolu sẽ thích hợp cho sự hạ cánh của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35B Lightning II. Hệ thống vũ khí của tàu cũng do TNK tự sản xuất.

Các nhà phân tích mô tả Anadolu là một “kè hạ cánh” (LPD), tức một tàu chiến dùng để chở quân đến các điểm nóng và đưa họ vào bờ bằng tàu hoặc trực thăng đổ bộ. Tàu cũng có một bệnh viện 30 giường, chỗ chứa tàu đổ bộ cùng các tàu nhỏ và 13 xe tăng.
Tho Nhi Ky day tham vong khi tu dong tau san bay-hinh-anh-1
 Minh họa tàu sân bay của TNK
 Devrim Yaylali, một chuyên gia về hải quân, nói kế hoạch đóng tàu này đã có từ năm 2006, dùng để triển khai quân, và làm tàu mẹ cho các hoạt động của trực thăng và tàu nhỏ.

Tàu Anadolu cũng có thể tham gia các hoạt động cứu hộ nhân đạo trong một cuộc khủng hoảng hoặc sau một thiên tai, và có thể dùng để sơ tán quân nhân và dân thường.

Ông Yaylali nhắc việc vụ năm 2011, khi TNK sơ tán hơn 23.000 dân thường khỏi Libya, đã phải cần nhiều máy bay thương mại cho hoạt động này. Ông nói với Anadolu, hoạt động này sẽ dễ hơn, nhanh hơn.

Các quan chức TNK cho biết tàu chiến này được thiết kế để mang theo máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, xe tăng, binh sĩ và tàu/xuồng đổ bộ tới các khu vực xung quanh Địa Trung Hải hoặc xa hơn như Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

Động thái này là dấu hiệu cho thấy TNK quyết trở thành thế lực dẫn đầu ở Trung Đông và xa hơn nữa.

Trung Đông hiện bất ổn vì nội chiến Syria, sự căng thẳng giữa TNK với siêu cường hải quân Nga xung quanh vụ máy bay ném bom Nga bị TNK bắn rơi, cùng sự gia tăng hiện diện hải quân của Iran càng khiến sự căng thẳng leo cao hơn nữa.

Nhà  phân tích Yalayli nói TNK cần có một tàu sân bay, nhưng vài người khác nói dự án này quá phù phiếm, quá khả năng của TNK. 

Behlul Ozkan, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của TNK ở Đại học Marmara (Istanbul) nói việc đóng chiếc Anadolu phù hợp ý tưởng của Thủ tướng Ahmet Davutoglu về vai trò của TNK đối với thế giới: “Ông ấy thật sự nghĩ TNK có thể là một cường quốc đại dương, nhưng tầm nhìn này có thể vượt quá khả năng của nước này”.

Ví dụ chính phủ TNK hạ mục tiêu TNK thuộc nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 2023, một mục tiêu mà nhiều người nói là quá lạc quan.

Kế hoạch hải quân của TNK cũng có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, nơi mà TNK đang có xung đột với Syria, Iraq, Iran và Ai Cập. Còn phải nói đến cuộc xung đột về đảo Cyprus, và cuộc tranh chấp chủ quyền biển Aegean với Hy Lạp,một đối tác NATO của TNK.

TNK đã có một lực lượng quân sự hiện đại, với hơn 600.000 lính, đông quân hàng thứ hai trong khối NATO, với Mỹ là đối tác lớn nhất. 

Ozkan nói một cách sử dụng Anadolu khác là triển khai nó vào những điểm khủng hoảng quanh Trung Đông, nơi các đối tác châu Âu và Mỹ của TNK ngại can thiệp vì va phải những cảm xúc chống phương Tây.

Ông nói tàu Anadolu có thể triển khai ở đó thay NATO, vì TNK là nước Hồi giáo thì dễ biện hộ cho mục đích hoạt động. Ông cũng hy vọng Mỹ sẽ ủng hộ dự án này.

Bích Ngọc (theo The Daily Beast)

Một Thế Giới