Trung Quốc đã có nền công nghiệp quốc phòng ngang Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 12:54, 24/09/2015
Nhờ hành vi "trộm cắp bí mật quốc phòng" của mình, Trung Quốc đã thu hẹp được khoảng cách với Mỹ trong việc chế tạo máy bay chiến đấu, thậm chí có thể nói Trung Quốc đã có nền công nghiệp quốc phòng ngang Mỹ.
Theo những thông số kỹ thuật mới nhất, được đăng tải trên một blog quân sự của Trung Quốc hồi tuần trước, so sánh về thông số kỹ thuật của hai chiến đấu cơ thế hệ mới của Trung Quốc và Mỹ là máy bay chiến đấu J-31 và F-35. Chúng ta có thể đưa ra nhận định Trung Quốc đã có nền công nghiệp quốc phòng ngang Mỹ, khi thông số của hai loại máy bay chiến đấu này gần như ngang cơ nhau.
Theo đó, máy bay của Trung Quốc có kích thước gần giống với F-35, nhưng có tầm bay và tải trọng vũ khí thấp hơn máy bay của Mỹ, theo tạp chí quốc phòng Jane Defence cho biết.
Các chuyên gia quân sự thì cho rằng, dù J-31 có hình dáng như thế nào, thậm chí là khả năng bay của nó ra sao không quan trọng bằng việc những công nghệ cốt lõi của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có thể đã bị Trung Quốc "ăn cắp" và trang bị trên máy bay tiêm kích thế hệ mới của mình.
Những công nghệ cốt lõi đó là, phần mềm đặc biệt, sơn tàng hình, các cảm biến tốt nhất, tất cả những thứ đó tạo nên sự khác biệt của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 khác biệt so với những máy bay thế hệ cũ.
Khoảng cách công nghệ bị thu hẹp
Lầu Năm Góc và các quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ tin rằng khoảng cách công nghệ quân sự giữa Mỹ với Trung Quốc đang bị thu hẹp một cách nhanh chóng. Điều đó có nghĩa là vũ khí của Mỹ không có sự ưu thế công nghệ trước các kẻ thù lần đầu tiên trong các thập kỷ qua.
"Về cơ bản, họ đang sản xuất các hệ thống vũ khí có đặc điểm giống vũ khí thế hệ thứ 5, điều này làm vô hiệu hóa một số lợi thế của chúng ta trong cuộc chiến giả định tại tương lai", Peter Singer, một nhà chiến lược và nhà nghiên cứu cấp cao tại New America cho biết.
"Chúng ta phụ thuộc vào lợi thế của các loại vũ khí đi trước thời đại và nếu chúng ta không có những lợi thế như vậy thì đó là điều vô cùng đáng sợ đối với chúng ta trong các kịch bản khác nhau", ông nói thêm.
Đánh cắp dữ liệu quốc phòng
Trung Quốc đang bị nghi là đã ăn cấp dữ liệu thiết kế của F-35 vào năm 2009. Khi đó, các quan chức Mỹ nói rằng không có một thông tin mật nào bị đánh cắp, nhưng năm 2011 đã xuất hiện các thông tin về việc Trung Quốc đang chế tạo một máy bay chiến đấu đa chức năng tương tự F-35, năm 2012 J-31 thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.
Lầu Năm Góc đã họp bàn để bảo vệ bí mật quốc phòng trước các cuộc tấn công mạng với các công ty quốc phòng từ hồi năm 2007. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ khi trình độ của tin tặc quá cao so với nhân viên an ninh mạng, Justin Harvey, Giám đốc bảo mật của Công ty An ninh mạng Fidelis, một công ty chuyên bảo vệ an ninh mạng cho chính phủ và các công ty Mỹ cho biết.
"Họ mua những công cụ này, nhưng họ không đầu tư vào nhân viên an ninh mạng", ông nói. Bất cứ khi nào bị tấn công, các công ty Mỹ thường gọi cho Fidelis hoặc các công ty an ninh mạng khác để tham khảo ý kiến, vì họ không có các nhân viên an ninh mạng được đào tạo đúng cách để có thể đánh giá tình hình vụ tấn công mạng.
Đánh cắp thông tin trên mạng giúp Trung Quốc tiết kiệm được hàng chục tỉ USD trong nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm một loại vũ khí mới trước khi chính thức biên chế loại vũ khí đó vào quân đội.
Điều đó có nghĩa là thay vì Mỹ có được lợi thế trước Trung Quốc trong ngành công nghiệp quân sự tới 15-20 năm, thì nay khoảng cách đó chỉ còn rất bé.
Thiên Hà (Theo Defence One)