Nga ‘hồi sinh’ đoàn tàu bọc thép phục vụ siêu tăng Armata T-14

Chuyển động - Ngày đăng : 07:37, 30/08/2015

Quân đội Nga đã bắt đầu phục hồi một đoàn tàu bọc thép được chế tạo dưới thời Liên Xô cũ, tờ Echo24 của Cộng hòa Séc cho biết vào ngày 28.8. 
Các thông tin liên quan đến đoàn tàu xuất hiện hồi đầu tháng này, khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng 1 trong 4 đoàn tàu sẽ được “hồi sinh”, và là một phần trong dự án trị giá 400 tỉ USD nhằm tái vũ trang cho quân đội. 
Theo các phương tiện truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phục hồi các phương tiện quân sự dưới thời Liên Xô. Trong đó, một đoàn tàu bọc thép sẽ được quân đội Nga cân nhắc chế tạo trở lại, bất chấp nhiều nhận định cho rằng những công nghệ dưới thời Liên Xô không còn phù hợp cho chiến tranh hiện đại.  

“Ý định của Nga cho thấy, ngoài việc đầu tư vào một số công nghệ mang tính cách mạng, quân đội nước này còn chú trọng phục hồi các thiết bị hay phương tiện quân sự đã lỗi thời,” trang web tin tức Echo24.cz của Cộng hòa Séc cho biết.

Bốn đoàn tàu bọc thép, Baikal, Terek, Amur, và Don, từng được sử dụng trong các nhiệm vụ hỗ trợ cho quân đội  ở Bắc Kavkaz từ năm 2002-2009. Điều này được coi là một vai trò đặc biệt của hệ thống Đường sắt Nga, liên quan đến các hoạt động của quân đội.

Sau khi cuộc chiến tại Chechnya kết thúc, Bộ Quốc phòng Nga, dưới thời Anatoly Serdyukov, tuyên bố các đoàn tàu có thể ngừng hoạt động. Theo lệnh của ông Serdyukov, các loại vũ khí trên tàu đã bị tháo dỡ, trong khi nhiều phần còn lại của con tàu được cất giữ tại một nhà kho.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại, ông Sergei Shoigu, đã quyết định "hồi sinh" đoàn tàu, thay vì tiếp tục kế hoạch của ông Serdyukov. Đoàn tàu bọc thép là một phương tiện quân sự đạt đến đỉnh cao trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Vào thời điểm hiện tại, ngoài một số ý kiến cho rằng nó đã lỗi thời, nhiều chuyên gia vũ khí tin rằng đoàn tàu vẫn còn hữu ích trong một số trường hợp nhất định.

Trước đây, đoàn tàu bọc thép được sử dụng để vận chuyển hàng hóa quý giá và đưa quân đội vào trung tâm khu vực xung đột, bảo vệ các thành phố và thị trấn chiến lược. Do đó, kế hoạch phá hủy các hệ thống giao thông là mục tiêu đầu tiên của bất cứ lực lượng xâm lược nào, trong một cuộc chiến tranh.

Ý tưởng "hồi sinh" đoàn tàu bọc thép của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra sau khi nước này cho ra mắt xe tăng chiến đấu thế hệ mới Armata T-14. Do đó, nhiều người nghĩ rằng, đoàn tàu sẽ được sử dụng để vận chuyển T-14 tham gia vào các cuộc xung đột có thể xảy ra trên khắp lãnh thổ.

Kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Moscow dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020, thay thế khoảng 70% khí tài quân sự theo yêu cầu từ Tổng thống Vladimir Putin.

Hàn Giang (Theo Ibtimes


Một Thế Giới