5 chiến đấu cơ đáng sợ nhất của Nga

Chuyển động - Ngày đăng : 13:34, 05/07/2015

Tiềm lực quân sự của Nga luôn được đánh giá cao, đặc biệt là lực lượng không quân khi họ sở hữu rất nhiều chiến đấu cơ đáng sợ trên nhiều phương diện khác nhau.  
Tuy nhiên khi nhắc đến sức mạnh không quân, có một sự thật hiển nhiên không cần che giấu rằng Mỹ và phương Tây đang nắm giữ vị trí trội hơn so với Nga. Xu hướng này ít nhất đã diễn ra từ chiến tranh thế giới thứ hai, khi Mỹ và Anh là đồng minh của Nga. 
Trong khi Nga cung cấp nhân lực nhiều nhất đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại phát xít Đức, thì Anh và Mỹ lại dẫn đầu trong các chiến dịch không kích và ném bom chiến lược vào lãnh thổ của Đức. 
Xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, khi lực lượng quân sự của khối Warsaw có quân số vượt trội so với NATO nhưng NATO lại nắm giữ ưu thế về công nghệ quân sự, trong đó có các phi cơ chiến đấu. 
Đến cả thời điểm hiện tại, các phi cơ của không quân Nga vẫn đang bị đánh giá thấp hơn so với các mẫu phi cơ thế hệ thứ năm mới nhất của Mỹ như F-22 Raptor hay F-35 Joint Strike Fighter (JSF).
Bất kể việc Nga đang bị đánh giá thấp hơn về sức mạnh không quân, thì điều này cũng không phủ nhận được một thực tế là Moscow đã sản xuất được hàng loạt những mẫu chiến đấu cơ đáng sợ trong những năm qua. 
Hơn thế, Moscow đang tỏ ra sẵn sàng bán những mẫu phi cơ này cho các quốc gia trên thế giới đang bị Mỹ và phương Tây xa lánh về vấn đề xuất khẩu khí tài quân sự. 
Đối với các quốc gia không quá quan tâm đến vấn đề mức hiện đại cao độ về công nghệ, thì những mẫu phi cơ của Nga tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt, khi nó là một sự thay thế chất lượng cao và có giá thành rẻ hơn so với các chiến đấu cơ của Mỹ hay các nước châu Âu.
Kết quả là, hiện đang có khá nhiều quốc gia xây dựng lực lượng không quân của mình dựa trên xương sống là các máy bay Liên Xô và sau này là Nga cung cấp. Và nhất là khi Nga cũng đang thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn trong những năm tới, thì việc phát triển không quân theo hình mẫu của Nga được xem là có nhiều hứa hẹn và triển vọng lớn. 
Dù có lẽ trong tương lai Nga sẽ phải đối mặt với không ít các đối thủ đáng gờm, trong đó có Trung Quốc đang nổi lên như một nhà cung cấp khí tài quân sự đa dạng với giá thành rẻ. Vì vậy, bất cứ một sự phân tích và đánh giá nghiêm túc nào về sức mạnh những không quân hàng đầu trên thế giới hiện nay cũng đều phải đánh giá cao các chiến đấu cơ hàng đầu của Nga. Đáng chú ý nhất trong số đó là 5 mẫu chiến đấu cơ dưới đây:
1. Sukhoi Su-27
chien dau co dang so
Sukhoi Su-27 (NATO gọi là “Flanker”) là câu trả lời mà Liên Xô đáp trả lại các mẫu phi cơ mới nhất của Mỹ ở thời điểm đó là F-15 và F-16. Mẫu phi cơ này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 1970 và được đưa vào phục vụ trong không quân Liên Xô từ năm 1985. 
Su-27 được thiết kế nhằm chiếm ưu thế trong các cuộc không chiến và có một phạm vi chiến đấu đáng nể là trong vòng bán kính 750km. So với các đối thủ cạnh tranh chính bên phía NATO vào thời điểm đó, Su-27 vượt trội về tốc độ khi có vận tốc bay đạt 2.525 km/h so với mức 2.200 km/h của F-16 và 1900 km/h của F/A-18.
Su-27 còn có khả năng mang theo một loạt những vũ khí không đối không đáng sợ, bao gồm cả R-27R1, một tên lửa tầm trung đa năng với đầu đạn được dẫn đường bằng radar bán tự động. 
Các khung của Flanker cũng được nâng cấp nhiều lần để đảm nhận được nhiều vai trò mới khác nhau. Ví dụ Su-34 “Hậu vệ” là một biến thể của mẫu máy bay tiêm kích/ném bom với hàng loạt các vũ khí không đối đất và chống hạm. Một biến thể khác của Flanker là Su-33 Flanker-D, được sử dụng trên tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga.
Su-27 ở thời điểm hiện tại vẫn là chủ lực trong lực lượng không quân của không ít các quốc gia trên thế giới. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã đặt mua Su-27 số lượng lớn cũng như hỏi mua mẫu thiết kế và giấy phép để sản xuất nội địa mẫu phi cơ này hàng loạt. 
Tại Ấn Độ, Su-27 được sản xuất giống như mẫu thiết kế của Nga trong khi ở Trung Quốc nó được điều chỉnh lại và mang cái tên J-11. Ngoài Ấn Độ và Trung Quốc, ở châu Á còn có Việt Nam và Indonesia đang sử dụng Su-27 với tần suất lớn. 
Sự sụp đổ của Liên Xô cũng đã để lại một lượng lớn Su-27 cho không quân các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, bao gồm Belarus, Kazakhstan và Uzbekistan. Không quân Ukraina cũng vẫn đang sử dụng Su-27 thường xuyên trong cuộc chiến ở Donbass, dù năng lực tác chiến vẫn bị hạn chế.
2. Mig-29
chien dau co dang so
Nhỏ, tầm bay ngắn và được sản xuất rộng rãi, Mig-29 (được NATO gọi với cái tên “Fulcrum”) Mikoyan bắt đầu phục vụ trong quân đội Liên Xô từ năm 1983. Cũng giống như Su-27, Mig-29 được thiết kế và sản xuất để cạnh tranh với hai mẫu F-15 và F-16 của Mỹ. 
Mig-29 nhỏ hơn và không thể cạnh tranh với Su-27 về tốc độ, phạm vi hoạt động và chất lượng, nhưng nó được bù đắp lại bằng khả năng cơ động. Trong thực tế, một báo cáo của không quân Đức Luffwaffe trong thời kỳ chiến tranh Lạnh đã thừa nhận rằng Mig-29 tỏ ra linh hoạt và cơ động hơn rất nhiều so với Su-27.
Mig-29 cũng là một mẫu phi cơ đa chức năng và được trang bị tên lửa không đối không như AA-8 và được thiết kế để sử dụng ở cự ly gần, và các loại vũ khí không đối đất như tên lửa AS-12. 
Fulcrum tỏ ra là một mẫu phi cơ năng động hiếm thấy và kể từ năm 1983 nó bắt đầu được điều chỉnh để hoạt động trong một vai trò chuyên biệt hơn.
Ở thời điểm hiện tại, Mig-29 vẫn đang phục vụ trong không quân Nga cũng như một số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nó được xuất khẩu rộng rãi trong thời kỳ chiến tranh Lạnh và hệ quả là nó xuất hiện khá thường xuyên kể cả trong những trận chiến thực tế lẫn trên màn ảnh. 
Nam Tư đã dùng Mig-29 trong chiến tranh Balkan những năm 1990, và nó cũng được coi là xuất hiện trong cuộc chiến ở Donbass dù với tần suất thấp hơn. Syria vẫn đang sử dụng Mig-29 khá nhiều trong quân đội, và Nga dự định sẽ cung cấp thêm một loạt mới của mẫu phi cơ này cho đồng minh Trung Đông của mình từ nay cho đến năm 2016, 2017. 
Cuba, Iran và Triều Tiên cũng nằm trong danh sách các nước vẫn đang sử dụng Mig-29, và thậm chí mẫu phi cơ này còn phục vụ trong không quân của NATO sau khi tổ chức này mở rộng để bao gồm các thành viên của khối Warsaw trước đây.
3. Sukhoi Su-35
chien dau co dang so
Được thiết kế như một biến thể được hiện đại hóa cao độ của Su-27, Sukhoi Su-35 là một trong những mẫu phi cơ đa chức năng đáng chú ý nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Được nghiên cứu để đáp ứng những thách thức từ thời chiến tranh Lạnh và được nâng cấp liên tục, Su-35 được dự tính sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
Được xem là mẫu phi cơ đóng vai trò cầu nối giữa hai thế hệ chiến đấu cơ thứ tư và thứ năm, Sukhoi Su-35 được xem là một mẫu phi cơ thế hệ 4 ++, Su-35 sử dụng động cơ được thiết kế cho các mẫu phi cơ tàng hình có thể đạt tốc độ tối đa 2.390 km/h, hơi chậm hơn so với mẫu gốc Su-27. 
Tuy nhiên bán kính phạm vi chiến đấu được gia tăng 1.600 km được xem là bù đắp đáng kể cho sự thiệt thòi về tốc độ này. Các hệ thống vũ khí cũng được nâng cấp. Su-35 có thể trang bị 12 hệ thống vũ khí với tổng trọng lượng lên tới 8 tấn. 
Nó cũng được trang bị để đáp ứng các mục tiêu hoạt động đa dạng, bao gồm tên lửa không đối không K-77ME và tên lửa không đối đất Kh-59. Đồng thời Su-35 sử dụng chất liệu hấp thụ và làm nhiễu radar (RAM) trong cấu trúc của mình, vốn là đặc điểm chỉ có ở các máy bay tàng hình.

Mẫu phi cơ được gọi với biệt danh Super Flanker này hiện vẫn chỉ được sở hữu bởi không quân Nga và chưa thực sự tham gia vào một hoạt động thực tế nào. Tuy nhiên, Su-35 đang được xem là món hàng nóng và nhiều quốc gia sẵn sàng đặt mua nó nếu như Nga đưa ra thị trường. Đáng kể nhất trong số đó là Trung Quốc, khi nước này đang tích cực chế tạo hàng loạt mẫu J-11 (biến thể của Su-27) thì Bắc Kinh vẫn đang rất sốt sắng với việc đặt hàng mẫu Su-35 mới này.

4. Sukhoi T-50/ PAK FA
chien dau co dang so

Trong khi Mig-29 và Su-27 được thiết kế và chế tạo để đáp trả các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Mỹ và châu Âu khi đó là F-15, F-16, Dassault Rafale hay Eurofighter Typhoon. Thì máy bay chiến đấu tàng hình đa năng Sukhoi PAK FA được xem là câu trả lời của Nga đối với các mẫu phi cơ thế hệ thứ năm của Mỹ như F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Với tốc độ tối đa 2.600 km/h, FA PAK vượt qua tốc độ của những mẫu phi cơ họ hàng của nó trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, phạm vi hoạt động của mẫu phi cơ này cũng vượt qua những người tiền nhiệm của mình. Một số quan chức quốc phòng Mỹ thậm chí còn cho rằng Su T-50 thậm chí còn có tốc độ cao hơn mẫu F-35 của Mỹ, dù tốc độ cao không hẳn là cái đích người Mỹ nhắm đến khi thiết kế F-35.

Cũng giống như các mẫu phi cơ trước đó của Nga, FA PAK là mẫu phi cơ đa năng được trang bị cả hai hệ thống không đối không và không đối đất. Bao gồm tên lửa không đối không R77 và hai hệ thống bom chống hạm có trọng lượng 1,5 tấn. 
Thời gian tác chiến sẽ lớn hơn, nhưng FA PAK vẫn được trang bị hai khẩu GSh-30-1 30 ly trong một số trường hợp có thể đạt tốc độ bắn lên tới 1800 vòng mỗi phút. Dù gặp một số trục trặc trong giai đoạn sản xuất và thử nghiệm, nhưng theo dự kiến mẫu phi cơ này sẽ được cung cấp cho quân đội Nga vào cuối năm nay để bắt đầu sử dụng. 
Trong tương lai gần, không quân Nga sẽ là quân đội duy nhất được sử dụng mẫu phi cơ này. Dù đang cân nhắc về số lượng chế tạo, nhưng Nga được cho là sẽ sở hữu 55 chiếc PAK cho đến năm 2020.
5. Tupolev Tu-160
chien dau co dang so
Lực lượng máy bay chiến đấu của Nga được xây dựng trên nền tảng năng động cho phép tái trang bị, cập nhật và phát triển trong nhiều năm tiếp theo để đáp ứng với nhu cầu. Tuy nhiên, cho đến nay điều này chỉ chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo những chiến đấu cơ ở cả Nga lẫn Mỹ. 
Cả hai cường quốc này vì thế đều đang đặt vấn đề thiết kế và chế tạo những mẫu máy bay ném bom chiến lược cần thiết trong các chiến dịch tầm xa với khả năng mang một trọng lượng lớn bom đạn.
Với mục đích này, Nga vừa thông báo sẽ tiếp tục sản xuất máy bay ném bom chiến lược thời Liên Xô là Tupolev Tu-160 (được NATO gọi với cái tên “Blackjack”). Tu-160 có một tốc độ được xem là quá cao so với một máy bay ném bom chiến lược, lên tới 2.220 km/h. 
Tốc độ này trội hơn nhiều so với các máy bay ném bom của Mỹ như Lancer B1-B chỉ đạt 1.448 km/h và B-52 chỉ đạt 1.000 km/h. 
Blackjack tự hào có bán kính chiến đấu cực kỳ ấn tượng, lên tới 7.300 km và thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên của nó từ Murmansk tới Venezuela vào năm 2008.
 Tu-160 được trang bị để có thể mang vũ khí thông thường và cả vũ khí hạt nhân. Tên lửa có động cơ phản lực đẩy Kh-55MS được phóng từ Tu-160 mang theo đầu đạn hạt nhân 200 kt với một tầm xa hiệu quả khó tin là 3.000 km.
Tính đến năm 2015, Nga là nước duy nhất sở hữu mẫu Tupolev Blackjack. Theo kế hoạch mới nhất Nga dự kiến sẽ chế tạo thêm 50 chiếc. 
Đồng thời, mẫu phi cơ ném bom chiến lược này sẽ được nâng cấp và được đặt tên là Tu-160m2. Việc sản xuất được dự kiến sẽ bắt đầu sau năm 2023. Moscow cũng sẽ đồng thời khởi động việc sản xuất máy bay ném bom tàng hình PAK DA, một biến thể từ mẫu thiết kế Tupolev.

Nhàn Đàm (theo National Interest)


Một Thế Giới