Nga chế tạo tàu hạt nhân uy trấn Bắc cực

Chuyển động - Ngày đăng : 12:27, 27/05/2015

Nhà máy đóng tàu Baltic ở St. Petersburg đã bắt đầu chế tạo Sibir - tàu phá băng hạt nhân tiếp theo trong dự án 22.220 cho tập đoàn đa quốc gia Rosatom. Một tàu hạt nhân phá băng khác cũng được hạ thủy vào hôm qua, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và Tổng giám đốc Rosatom-Sergey Kiriyenko. 

“Đất nước chúng ta có nhiều cơ hội khai thác tiềm năng ở Bắc Cực. Nhưng chúng ta nên được trang bị đầy đủ về trang thiết bị công nghệ, kiến thức, các tàu hiện đại và hệ thống thông tin liên lạc để cảm thấy thoải mái trong hoạt động của mình. Nga cần chuẩn bị tốt hơn cho việc khai phá nguồn lợi tại Bắc Cực, và các tàu phá băng là một phần trong dự định này,” ông Rogozin phát biểu trước các phóng viên.

Hợp đồng xây dựng hai tàu phá băng hạt nhân liên tiếp của dự 22.220 trị giá 84,4 tỷ rúp (1,7 tỷ USD) đã được ký kết giữa nhà máy đóng tàu Baltic và Rosatom vào tháng 05.2014. Tuy nhiên, việc xây dựng con tàu đầu tiên của dự án, mang tên Arktika thì lại được tiến hành trước đó tại các xưởng đóng tàu kể từ năm 2013.

“Công việc liên quan đến quá trình chế tạo các tàu phá băng đang được hoàn thành. Hôm nay, chúng tôi nhận ra rằng thông qua những nỗ lực chung giữa các bên, chúng ta có thể đối phó và hoàn tất bất kỳ trở ngại nào, nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước yêu cầu,” báo chí địa phương dẫn lời ông Kiriyenko.

Thiết kế của tàu phá băng hạt nhân được đưa ra bởi Trung tâm thiết kế tàu phá băng (CDBI) trong năm 2009. So với các thế hệ tàu phá băng thông thường trước đó, Sibir và Arktika có nhiều ưu điểm hơn, đặc biệt là hiệu suất sử dụng năng lượng và khả năng di chuyển.

Tàu phá băng mới sẽ có chiều dài 173,3 mét, rộng 34 mét. Dự kiến đường nước thiết kế là 10,5 mét và tối thiểu là 8,55 mét, với trọng lượng khoảng 33.540 tấn. Tàu phá băng có hai lò phản ứng được thiết kế đặc biệt RITM-200 có công suất 175 megawatt.

Thiết kế đặc biệt của tàu phá băng hạt nhân Arktika và Sibir khiến chúng có thể làm việc trong vùng biển của Bắc Cực và các cửa sông ở vùng cực. Trong đó, tại Bắc Cực, hoạt động chủ yếu của tàu sẽ được triển khai tại khu vực phía tây: ở vùng biển Barent, Pechora và Kara, cũng như nhiều khu vực nước nông tại Yenisei và Vịnh Ob.

Theo Rosatom, hạm đội tàu phá băng của Nga hiện nay có 6 tàu phá băng hạt nhân, một tàu vận chuyển hàng và 4 tàu dịch vụ. Nhiệm cụ của đội là đảm bảo ổn định các con đường tại biển Bắc, cũng như mở rộng phạm vi hoạt động cho các tàu khác tại cực Bắc và thềm Bắc Cực.

Tàu phá băng là một trong những vũ khí hàng đầu của Nga được ưu tiên phát triển cho Bắc Cực. Loại tàu này được dùng để đi vào các vùng biển Bắc cực và Moscow sở hữu hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới.  Trong khi đó, Mỹ chỉ có duy nhất một nhóm 3 tàu phá băng của lực lượng tuần dương, được đánh giá thấp hơn nhiều so với hạm độ của Nga.

Hàn Giang ( theo Tass

Một Thế Giới