Nga dùng tàu phá băng quân sự bảo vệ Bắc cực
Chuyển động - Ngày đăng : 15:00, 01/05/2015
Việc bảo vệ vùng bờ biển Bắc cực thuộc Nga luôn có sự hỗ trợ của địa hình đặc biệt của khu vực này: một số đảo mà trên đó các căn cứ quân sự của Liên Xô đang được phục hồi, và biển phủ băng dày.
Hai yếu tố này giúp ngăn chặn sự xuất hiện của các thế lực hải quân ở vùng lạnh giá này, hạn chế không gian hoạt động của địch, đồng thời bảo đảm sự an toàn cho các tàu ngầm Nga khỏi bị do thám từ trên không.
Nhưng các lợi thế trên cũng là bất tiện cho hải quân Nga. Trước tiên là nỗi quan ngại về việc nuôi quân đóng trên các đảo, sự vận chuyển các phương tiện và hàng hóa bằng đường biển.
Việc Nga dùng tàu phá băng quân sự bảo vệ Bắc cực là để giải quyết vấn nạn này. Hải quân Nga đề xuất một lớp tàu phá băng chạy điện-diesel thế hệ mới.
Chiếc tàu phá băng quân sự đầu tiên từ 40 năm nay của Nga đã được bắt đầu đóng ngày 23.4, được đặt tên Ilya Muromets, tên của một anh hùng dân gian Nga từng bảo vệ nhân dân khỏi bọn cướp và quân xâm lược.
Nga có nhiều tàu phá băng sử dụng động lò phản ứng hạt nhân, nhưng quân đội Nga không sử dụng.
Xí nghiệp đóng tàu Đô đốc ở St. Petersburg cho biết: chiếc Ilya Muromets trang bị một hệ thống đẩy đặc biệt, cho phép tiến tới và lui về sau.
Chiếc Ilya Muromets sẽ dài 85 m, rộng gần 20 m có độ choán nước 6.000 tấn, có thể hoạt động 60 ngày trên biển. Tổng cộng 4 chiếc sẽ được đóng.
Xí nghiệp đóng tàu Đô đốc nói có thể cuối năm 2017 sẽ đóng xong chiếc tàu phá băng này.
Nó sẽ thuộc Hạm đội Biển Bắc của hải quân Nga, sẽ giúp triển khai quân và hộ tống các tàu vận tải đưa hàng hậu cần đến các căn cứ và sân bay ở vùng Bắc cực thuộc Nga.
Việc đóng tàu này do Nga cần tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc cực, cùng việc công nghiệp hóa khu vực giàu năng lượng này, dù các nhà bảo vệ môi trường nói hệ sinh thái mong manh của Bắc cực sẽ bị tác động nghiêm trọng.
Chiếc Ilya Muromets nhằm mục đích đề phòng bất kỳ kế hoạch xâm lược lãnh hải Nga của những thế lực thù địch nước ngoài.
Đô đốc Viktor Chirkov cho biết: “Khi tàu này được thiết kế, chúng có khả năng của tàu phá băng thời tương lai, không phải của thời này.
Đặc trưng của tàu này là có thể linh hoạt di chuyển quanh các khối băng, nhờ hệ thống bánh lái Azipod chạy điện-diesel.
Hệ thống này cho phép tàu xoay 360 độ, và có thể đâm thủng lớp băng dày 1m, cho phép nó hoạt động suốt chiều dài Tuyến đường biển bắc (NSR) bảo đảm có thể di chuyển từ Murmansk ở Nga thuộc châu Âu đến cảng Petropavlovsk-Kamchatsky ở Viễn Đông Nga.
NSR cũng cho phép chở hàng từ phía bắc Nga ở châu Âu đến Viễn Đông Nga, nhanh hơn từ 7 đến 22 này so với việc tàu hàng vượt kênh đào Suez.
Nga sẽ có thể chở hàng hóa trên lãnh hải của mình, cho phép Nga hoạt động mà không phải dựa vào quyết định của nước khác, và nếu có chiến tranh, thì hàng hậu cần sẽ an toàn hơn.
Hàng hóa vận chuyển qua NSR đã tăng ổn định từ năm 2011. Từ năm 2019 đến 2020, hàng hóa qua tuyến này sẽ tăng đến 5 triệu tấn/năm.