Nga tiếp tục hoãn phóng tên lửa hiện đại Angara

Chuyển động - Ngày đăng : 20:31, 02/07/2014

Nga sẽ tiếp tục hoãn phóng tên lửa Angara thêm một thời gian sau vụ phóng bất thành hôm 27.6, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết

Tên lửa Angara có tải trọng 35 tấn, bắt đầu được nghiên cứu chế tạo từ năm 1994 và đã trải qua nhiều phiên bản khác nhau. Angara sẽ được khởi động trở lại sau khi các kỹ sư đã khắc phục sự cố.

Dự án chế tạo tên lửa mới Angara đã thực sự mang lại tiếng vang cho nền công nghiệp không gian của Nga trong hơn 20 năm qua. Vụ phóng tên lửa ngày 27.6 trở nên đặc biệt vì đó là lần đầu tiên các phượng tiện truyền thông được tham gia chứng kiến và đưa tin rộng rãi đến công chúng.

Thế nhưng, hệ thống an toàn tự động của Angara đã hủy bỏ lệnh khởi động chỉ 19 giây trước khi tên lửa rời bệ phóng. Nguyên nhân được xác định là do tụt áp suất trong khoang nhiên liệu oxidizer.

Một nguồn tin giấu tên cho biết vụ phóng thất bại do van thoát áp suất ở các thùng nhiên liệu oxy lỏng, không được đóng kín. Van này có chức năng giúp điều hòa áp suất khi áp suất trong thùng nhiên liệu tăng cao hơn mức cho phép.

Sau thất bại, Tổng thống Putin đã động viên Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và yêu cầu các quan chức không gian khắc phục sự cố để sớm đưa Angara trở lại bệ phóng.

The Moscow Times dẫn lời ông Yury Karash, một chuyên gia về chính sách không gian tại Học viện Cosmonautics ngày 1.7 cho rằng, không nên quá bi quan khi tên lửa Angara bị khởi động chậm, vì tất cả mọi thứ về Angara là còn khá mới mẻ, quá trình chuẩn bị quá vội vàng

Tên lửa Angara sẽ giúp thay thế Proton, một dòng tên lửa đầy sức mạnh nhưng lại khá độc hại. Tên lửa Proton được đưa vào sử dụng cách đây 50 năm khi người ta vẫn chưa quan tâm đến vấn đề môi trường như hiện nay.

Từ năm 2010 đến nay, hàng loạt vụ phóng tên lửa Proton thất bại từ những bệ phóng ở Kazakhstan đã làm ô nhiễm một số vùng nông thôn nước này. Đây là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ giữa Moscow và Almaty trở nên căng thẳng.

Angara được chế tạo với tham vọng có thể tái sử dụng một phần nào đó của tên lửa sau một lần phóng. Nó cũng có thể mang những vật có tải trọng lớn hơn vào quỹ đạo không gian.

Phiên bản phóng thất bại hôm 27.6 là Angara 1.2PP, loại tên lửa được kỳ vọng sẽ thay thế cho Soyuz và Proton phục vụ cho hoạt động phóng vệ tinh thương mai của chính phủ Nga.

Các báo cáo cho biết trong khoảng khoảng một thập kỷ qua, dịch vụ phóng vệ tinh của Nga chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu, mang lại doanh thu mỗi năm cho các công ty Nga khoảng 800 triệu USD đến 1 tỉ USD.

Lâm Nguyên (theo The Moscow Times)

Một Thế Giới