Trung Quốc “nhái” hệ thống theo dõi tàu ngầm của Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 15:07, 26/05/2014
Trang War is Boring (tạm dịch: Chiến tranh là nhàm chán) trên mạng xã hội Medium có bài viết phân tích việc Trung Quốc lắp đặt các ống nghe có độ nhạy cao tại các vùng biển, nhằm phát hiện và theo dõi các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh.
Theo bài viết mới đây trên Proceedings – một tạp chí chuyên ngành của Hải quân Mỹ, hai nhà phân tích hải quân uy tín của Mỹ là Lyle Goldstein và Shannon Knight nhận xét hệ thống giám sát mới của Trung Quốc là “đáng ngạc nhiên”.
Họ khẳng định "hệ thống âm thanh cảm biến dưới đại dương” là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh bắt đầu đánh giá nghiêm túc sức mạnh của tàu ngầm Mỹ.
Hệ thống ống nghe dưới nước của Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012, dường như là bản sao của hệ thống giám sát âm thanh SOSUS - một mạng lưới giám sát âm thanh rộng lớn của hải quân Mỹ đã giúp giám sát hầu như mọi chuyển động của tàu ngầm Liên Xô từ giữa những năm 1950.
Liên Xô sau đó đã lấy được nguyên lý của SOSUS từ John Walker – một người chạy trốn khỏi Mỹ và đã nâng cấp thành một hệ thống hiện đại hơn. Để đối phó, Hải quân Mỹ đã tiếp tục cải tiến SOSUS với các ống nghe tốt hơn cùng các tàu có sonar nhạy cảm hơn.
Vào thời điểm hoạt động tốt nhất, SOSUS có thể phát hiện tàu ngầm ở khoảng cách hàng ngàn km. Hệ thống giám sát này hiện vẫn là “vũ khí bí mật” của Hải quân Mỹ, mặc dù kỹ thuật của nó đã không còn là bí mật nữa.
Theo bài viết của War is Boring, ngay cả khi hệ thống giám sát của Trung Quốc có hiệu quả chỉ bằng một nửa so với SOSUS, nó vẫn có thể gây rắc rối lớn cho Mỹ, Nhật Bản, Úc. Hiện các tàu ngầm công nghệ cao của Mỹ và các nước đồng minh chính là ưu thế lớn nhất của họ trước Bắc Kinh và đảm bảo việc chống lại một cuộc tấn công từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu hệ thống giám sát tàu ngầm của Trung Quốc có thể theo dõi tàu ngầm của Mỹ và đồng minh, nó có thể săn lùng được các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh cũng như tiêu diệt chúng nếu xảy ra chiến tranh, từ đó đánh bại tuyến phòng thủ đầu tiên của Washington ở Thái Bình Dương.
Để xây dựng một hệ thống giám sát, cần phải làm nhiều thứ hơn là đơn thuần chỉ cài các ống nghe dưới đáy biển. SOSUS đã phát huy hiệu quả sau quá trình đầu tư và cải tiến liên tục trong 40 năm qua, chưa kể đến việc Hải quân Mỹ đã huy động một lượng lớn các chuyên gia để giải thích các dữ liệu mà hệ thống này thu được.
Do đó, ngay cả khi Trung Quốc đã xây dựng được một “SOSUS nhái” thì họ cũng phải mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ để tinh chỉnh các công nghệ và kỹ thuật có liên quan.
Tuy nhiên, dù phát triển được hệ thống giám sát tàu ngầm, Trung Quốc đã tiến được một bước quan trọng trong việc theo dõi tàu ngầm đối phương. Hồi năm 2011, nhà phân tích hải quân Owen Cote tại Viện Công nghệ Massachusetts đã đánh giá, rằng khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Bắc Kinh là “rất hạn chế”
“Trung Quốc đã không tiến hành đầu tư lớn để cải thiện sức mạnh săn ngầm của mình”, ông Cote nhận xét.
Tuy nhiên, đó là vào thời điểm 3 năm trước, còn vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã nhận ra được tầm quan trọng của việc chống tàu ngầm. “Trung Quốc đã đầu tư đáng kể trong lĩnh vực khoa học quân sự để chống lại tàu ngầm”, hai chuyên gia Goldstein và Knight nhận xét.
Hoài Anh (lược dịch)