Khám phá các tàu sân bay của hải quân Ấn Độ
Chuyển động - Ngày đăng : 12:35, 24/05/2014
Đây là tàu sân bay thuộc dự án 1143.4 của Liên Xô, là tàu chiến lớp Kiev được Liên Xô chế tạo xong năm 1987.
So với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, chiếc INS Vikramaditya nhẹ kí hơn: Liêu Ninh có lượng giãn nước toàn tải 65.000 tấn, dài 300 mét, rộng sườn 75 mét. Trong khi đó, INS Vikramaditya có độ choán nước 45.500 tấn, dài 270 mét và rộng sườn 52 mét.
Về tốc độ, cả hai tàu này ngang nhau với tốc độ tối đa 59 km/giờ. INS Vikramaditya chỉ có thể mang theo 24 máy bay các loại gồm 16 chiếc tiêm kích, còn Liêu Ninh có khả năng mang theo 50 máy bay các loại gồm khoảng 30 chiếc tiêm kích.
Tuy nhiên, sức mạnh của một tàu sân bay không nằm ở chính bản thân nó lớn hay nhỏ, mà chính ở tiêm kích trên hạm mà nó chở theo.
Do diện tích sàn lớn hơn, Liêu Ninh chở khoảng 30 máy bay chiến đấu cùng 24 máy bay trực thăng, trong khi INS Vikramaditya có thể chở 30 máy bay chiến đấu và khoảng 20 máy bay trực thăng 20 Kamov Ka-25 hay Kamov Ka-27.
Nhưng xét về hiệu quả tấn công, Liêu Ninh chưa chắc mạnh bằng INS Vikramaditya. Các máy bay của tàu này do phía Nga sản xuất đồng bộ và nâng cấp để phù hợp với thiết kế của tàu. Báo Ấn Độ khẳng định là máy bay tiêm kích Mig- 29K hiện đại được trang bị cho tàu sân bay này.
Ở khía cạnh tiêm kích trên hạm, INS Vikramaditya hoàn toàn ăn đứt tàu sân bay Liêu Ninh. Dù chỉ có thể mang theo 16 chiếc tiêm kích trên hạm MiG-29K nhưng đây lại là loại tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới hiện nay.
Trong khi đó, máy bay tiêm kích trên hạm J-15 mà Trung Quốc dùng đều là loại sản xuất trong nước (thực tế là bản sao tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga) và kém xa Mig-29K.
Chưa thể rõ tiêm kích trên hạm J-15 của Liêu Ninh phát triển thế nào. Liêu Ninh đã được đưa vào sử dụng từ hơn nửa năm nay nhưng nó vẫn phải nằm chơi tại cảng vì không có tiêm kích. Trong khi đó từ tàu sân bay cho đến tiêm kích trên hạm của Ấn Độ đã sẳn sàng để xung trận.
Hạm đội tàu sân bay lớn nhất châu Á
Hải quân Ấn Độ dự định xây dựng 3 nhóm tàu sân bay chiến đấu thường trực và một tàu sân bay dự trữ. Như thế, Ấn Độ sẽ là quốc gia châu Á có hạm đội tàu sân bay chiến đấu hùng hậu nhất khu vực, ngoại trừ hạm đội tàu sân bay Mỹ.
Chiếc INS Vikramaditya mua của Nga là tàu sân bay thứ ba trong lịch sử của hải quân Ấn Độ. Chiếc thứ nhất là Viraat được Anh đóng năm 1944 và đem sử dụng từ 1959. Chiếc tàu sân bay hạng nhẹ này từng tham gia trận hải chiến giữa hải quân hoàng gia Anh và Argentina năm 1982.
Năm 1986, Anh bán lại cho Ấn Độ và họ tỏ ra rất có trách nhiệm với con tàu lịch sử này. Tính đến giờ, Anh đã 5 lần nâng cấp tàu sân bay Viraat cho Ấn Độ và trang bị cho nó nhiều vũ khí hiện đại.
Nhưng chiếc tàu này cũng hơi nhỏ, dài 226 mét, độ choán nước tối đa 28.700 tấn, tức tương đương một chiếc tuần dương hạm lớp Kirov của Nga. INS Viraat có thể mang theo 30 máy bay các loại, chủ yếu là tiêm kích cất-hạ cánh ngắn Sea Harrier.
Bên cạnh đó, Ấn đang bắt tay phát triển chương trình tàu sân bay INS Vikrant tải trọng 40.000 tấn và INS Vishal tải trọng 65.000 tấn. Dự kiến chiếc tàu sân bay đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2018, chiếc thứ hai sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Chiếc INS Viraat dự kiến sẽ được giải nhiệm sau khi chiếc INS Vikrant được biên chế vào cuối năm 2018.
Hạ thủy chiếc Vikrant |
Chiếc này trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa với radar đa nhiệm và hệ thống vũ khí cận chiến.Thủy thủ đoàn gồm 1.450 người.
Sau khi hạ thủy và thực hiện các chuyến chạy thử, chiếc INS Vikrant sẽ hoàn tất việc trang bị vũ khí vào năm 2016. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, INS Vikrant dự kiến sẽ được biên chế vào năm 2018.
Như vậy, Ấn Độ trở thành một trong 5 quốc gia (cùng Mỹ, Anh, Pháp và Nga) có khả năng tự thiết kế và đóng tàu sân bay có độ choán nước 40.000 tấn trở lên. Ngoài chiếc INS Vikrant, Ấn Độ còn có kế hoạch đóng tàu một chiếc tàu sân bay nội địa thứ hai.
Ngoài ra, hải quân Ấn Độ còn có một chiếc tàu chiến lớn như tàu sân bay là chiếc Jyoti được đóng từ năm 1993 và hạ thủy năm 1996, cũng do phía Nga sản xuất.
Chiếc này có độ choán nước tối đa 40.000 tấn, dài 178 mét và tốc độ tối đa khoảng 28 cây số mỗi giờ. Chiếc này chỉ được trang bị những vũ khí có hỏa lực ở cự ly gần và mang tính chất phòng vệ nhiều hơn.
Nhưng trong gần 20 năm vận hành chiếc này, hải quân Ấn Độ đã thu được những kinh nghiệm hết sức quý báu trong việc làm chủ một con tàu sân bay do người Nga sản xuất. Nó sẽ rất có ích khi đem vào áp dụng việc vận hành chiếc INS Vikramaditya.
Dư sức “khè” Trung Quốc
Tàu sân bay INS Vikramaditya |
Ngoài ra, phía Ấn Độ còn chi thêm 500 triệu USD để mua 16 máy bay Mig-29K, trực thăng Ka-27, Ka-32 trang bị cho chiếc này.
Nguồn tin của Ấn Độ khẳng định những vũ khí được trang bị trên tàu sân bay INS Vikramaditya rất ấn tượng mà Nga chuyển giao độc quyền cho Ấn Độ. Nga cũng cam kết không chia xẻ công nghệ này cho nước thứ ba để giữ chữ tín với bạn hàng.
Sau khi mua được tàu sân bay cũ từ Ukraine và cải tạo thành tàu sân bay Liêu Ninh, nhiều người Trung Quốc và cả giới học giả nước này đã ngộ nhận sức mạnh hải quân của họ lớn nhất trong khu vực.
Trung Quốc không chỉ muốn tạo ảnh hưởng sức mạnh ở vùng biển ven bờ mà còn muốn vươn ra cả Ấn Độ Dương vốn là “sân nhà” của Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ không nói nhiều về chuyện phát triển hải quân một cách đao to búa lớn như Trung Quốc.
Điều quan trọng với việc vận hành tàu sân bay là kinh nghiệm vận hành trên biển. Do quá trình chuyển giao bị trì hoãn liên tục nên Ấn Độ cũng hưởng lợi. Càng trì hoãn, họ lại càng được Nga trang bị những vũ khí tối ưu hơn và các thủy thủ đoàn của Ấn Độ lại được phía Nga đào tạo, chuyển giao công nghệ tốt hơn.
Như vậy, so với Trung Quốc, Ấn Độ không chỉ có nhiều hơn lượng tàu sân bay mà còn hơn cả kinh nghiệm vận hành. Một khi nhóm tác chiến tàu sân bay của Ấn triển khai hoạt động trên biển, đó sẽ là một mối đe dọa lớn cho những tham vọng tiến ra biển lớn của Trung Quốc.
Anh Tú