Đô thị lớn quá đắt đỏ, dân Trung Quốc đổ về quê
Quốc tế - Ngày đăng : 14:52, 27/03/2016
Giá sinh hoạt ngày càng tăng tại các đô thị lớn đã khiến nhiều người dân Trung Quốc phải trở về quê để kiếm kế sinh nhai khác.
Ông Đằng, người An Huy, một cư dân đã sống tại Thượng Hải 9 năm, mới đây cùng gia đình chuyển đến một thị trấn nhỏ vùng quê ở tỉnh Giang Tô để sinh sống.
Mỗi lần từ nhà đến Thượng Hải để tham dự các cuộc họp làm ăn, ông Đằng phải lái xe mất một tiếng đồng hồ, nhưng ông không hề hối hận vì đã chuyển khỏi Thượng Hải.
Tại Thượng Hải, ông Đằng cùng gia đình từng sống trong một căn nhà 40m2 trị giá 1,2 triệu nhân dân tệ (253,000 USD). Do không có hộ khẩu, con gái ông Đặng không được hưởng các dịch vụ công, trong đó gồm cả việc không được đi nhà trẻ công.
Sau khi chuyển về sống tại Hoa Kiều, một trấn nhỏ thuộc thành phố Côn Sơn (Giang Tô), cuộc sống của gia đình ông đã được cải thiện đáng kể.
Hiện tại, ông Đằng đã mua được một căn nhà 160m2 chỉ với giá 1,1 triệu tệ. Đặc biệt, nhờ vào chính sách chào đón người nhập cư của chính quyền địa phương, con gái 5 tuổi của ông cũng đã được vào một nhà trẻ công.
“Chuyển nhà cũng đem lại cho tôi nhiều phiền phức, nhưng nói chung thì lợi nhiều hơn hại. Chi phí sinh hoạt thì rẻ hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn”, ông Đằng cho biết.
Trong nhiều thập niên nay, Thượng Hải với vai trò là một trung tâm kinh tế-tài chính với nhiều cơ hội việc làm và cơ hội kinh doanh đã thu hút rất nhiều người di cư đến Thượng Hải.
Tuy nhiên, trong năm 2015, lần đầu tiên sau 15 năm, số người nhập cư sụt giảm, còn 9,81 triệu người, thấp hơn năm 2014 với 9,96 triệu người.
Việc người nhập cư rời khỏi Thượng Hải là một phần trong xu hướng người dân chuyển từ việc đến những đô thị ven biển sang đến những tỉnh ở nội địa, nơi có nhiều cơ hội việc làm cho họ hơn.
Giới chức Thượng Hải cũng đã đưa ra một số lý do giải thích cho sự sụt giảm này, như thành phố đang tái cấu trúc ngành công nghiệp nên đã dẹp bỏ công ty làm ăn kém hiệu quả và khiến nhiều lao động phổ thông bị mất việc; hay thành phố đã tiến hành phá dỡ những căn nhà được xây dựng bất hợp pháp cho người nhập cư khiến họ không thể ở lại.
Những biện pháp kể trên nằm trong kế hoạch của trung ương nhằm xây dựng các đô thị có chất lượng sống tốt hơn và có dân số bền vững hơn. Giới hạn dân số mà giới chức Thượng Hải đặt ra là 24,8 triệu người, điều đó có nghĩa là sắp tới, số người nhập cư sẽ tăng chậm, hoặc thậm chí sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt là giá nhà và lương tăng quá ít mới là nguyên nhân chính khiến người dân Trung Quốc không còn đổ về các đô thị lớn như Thượng Hải nữa.
Trong giai đoạn 2000-2015, giá nhà đất đã tăng gấp 10 lần, trong khi lương trung bình chỉ tăng gần 3 lần. Lương trung bình năm 2004 là 2.033 tệ và đến năm 2014 cũng chỉ có 5.451 tệ.
Những người trẻ như cô Tạ Tiểu Vy, 26 tuổi, chính là những người đang bị sức ép của việc chi phí sinh hoạt tăng cao này.
Cô Tạ chuyển đến Thượng Hải vào tháng 10.2014 để làm giám đốc tài chính cho một công ty công nghệ thông tin đa quốc gia, nhưng hiện tại cô đang xem xét chuyển về TP.Hạ Môn (Phúc Kiến) sinh sống trong một hoặc hai năm tới.
“Tôi mới được báo là tiền thuê nhà, vốn đã chiếm đến 30% tiền lương của tôi, sẽ tăng thêm từ 20 đến 40%. Nhưng công ty của tôi lại thông báo năm nay sẽ không phát lương và những người trẻ như tôi không có cách nào để trả nổi tiền thuê nhà ở Thượng Hải”, cô chia sẻ.
Mặc dù nếu dọn về Hạ Môn, với công việc tương tự cô sẽ chỉ nhận được lương bằng 70-80% lương hiện tại, nhưng ít nhất cô còn có nhà và chi phí sinh hoạt cũng thấp hơn.
Kể cả với những người mới dọn đến Thượng Hải, họ cũng hiểu ra tại sao thành phố này tại sao lại mất sức hút đối với người nhập cư như vậy.
Cô Sinh, người Bắc Kinh, làm nghề phát triển trang web tự do, vừa mới chuyển đến sống ở Thượng Hải vào tháng 10.2015 để ở gần hơn với các khách hàng ở Tô Châu và Thiệu Hưng. Cô từng có thời gian du học 6 năm bên Mỹ.
Cô Sinh cho biết chất lượng căn hộ mà cô đang ở tệ hơn nhiều căn hộ ở Chicago và New York mà cô từng sống.
“Tôi sẽ ở đây trong hai hay ba năm nữa vì tại Thượng Hải vẫn còn nhiều cơ hội làm ăn. Nhưng trong lúc đó, tôi hy vọng những thành phố khác sẽ phát triển lên và tôi sẽ có nhiều lựa chọn để chuyển đi”, cô Sinh chia sẻ.
Với những lý do tương tự, số lượng người nhập cư đến Bắc Kinh cũng có xu hướng giảm. Trong vòng một năm từ 2014 đến 2015, số người nhập cư đến thành phố này chỉ tăng 39.000 người, tương đương 0,5%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1999.
Ông Tống, người Tây An, đã sống và làm việc ở Bắc Kinh được 5 năm, nhưng ông đang muốn về quê sinh sống sau một hay hai năm nữa mặc dù điều này đồng nghĩa với việc mức lương của ông sẽ bị giảm 20%. Hiện tại, vợ và con gái 13 tuổi của ông đang sống tại Tây An và ông thường về thăm họ một lần/ tuần.
“Các tiêu chuẩn sống và cơ hội làm việc ở Tây An đang ngày càng được cải thiện, trong khi Bắc Kinh thì ngày một đông đúc”, ông Tống cho biết.
Theo ông Vương Quế Tân, Viện trưởng Viện nghiên cứu nhân khẩu của ĐH Phục Đán, chính quyền Trung Quốc nên quan tâm đến vấn đề người nhập cư suy giảm vì điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến các đô thị lớn và đến nền kinh tế quốc gia.
Ông Vương giải thích, với việc dân nhập cư giảm, tốc độ tăng trưởng của đô thị lớn cũng sẽ giảm và đô thị lớn đó không thể hỗ trợ các thành phố vệ tinh phát triển.
Ngoài ra, ông Vương cũng chỉ ra rằng hầu hết lao động trong các ngành dịch vụ lương thấp như lau chùi hay giao hàng đều là người nhập cư, và việc người nhập ư suy giảm sẽ dẫn đến việc thiếu lao động làm những việc này, từ đó chi phí lao động và giá cả dịch vụ sẽ bị đẩy lên cao.
“Hãy nghĩ tới sự bất tiện mà người dân của các thành phố lớn phải chịu khi lực lượng lao động nhập cư đều trở về quê trong dịp nghỉ tết truyền thống”, ông Vương cho biết.
Cẩm Bình (theo Strait Times)