'Nhờ' Triều Tiên phóng vệ tinh, Mỹ có thể mang THAAD tới Hàn Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 08:56, 09/02/2016

Hàn Quốc đã đồng ý bắt đầu thảo luận với Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến nước này, sau khi Triều Tiên tiến hành hoạt động phóng vệ tinh lên vũ trụ.
THAAD được xem là loại tên lửa phòng không tiên tiến bậc nhất trên thế giới hiện nay. Trước đây Hàn Quốc không muốn đưa hệ thống này tới hoạt động trên đất nước mình vì sợ phật lòng Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của Seoul. Tuy nhiên điều này đã thay đổi sau khi Triều Tiên tiến hành hoạt động phóng vệ tinh lên vũ trụ.
“Washington và Seoul đã bắt đầu thảo luận về việc triển khai hệ thống THAAD đến Hàn Quốc, như một biện pháp nhằm nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa của liên minh Hàn Quốc – Mỹ trước Triều Tiên”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Yoo Jeh-seung tuyên bố sau khi có cuộc gặp với Trung tướng Thomas Vandal của quân đội Mỹ.
Theo tướng Vandal, quyết định triển khai THAAD được đưa ra theo lời gợi ý của chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Curtis Scaparrotti, sau khi Triều tiên tiến hành vụ phóng vệ tinh lên vũ trụ hôm 7.2.
THAAD là hệ thống phòng không có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở cự ly 1.000km và tiêu diệt trong phạm vi 150-200km, tầm cao 25km. THAAD phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu theo kiểu va chạm trực tiếp giống như các hệ thống phòng không Patriot.
Việc triển khai THAAD đến Hàn Quốc luôn vấp phải sự phản đối từ cả Trung Quốc và Nga, vốn chỉ trích hệ thống phòng thủ tên lửa này đặt quá sát cả hai nước trên.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Triều Tiên khẳng định, nước này đã đưa thành công một vệ tinh quan sát lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy. Vụ phóng tên lửa được thực hiện vào lúc 9h sáng ngày 7.2 (giờ địa phương) và vệ tinh đã đi vào quỹ đạo sau đó 9 phút 46 giây.
Triều Tiên khẳng định đây là vụ phóng tên lửa hoàn toàn vì mục đích khoa học, tuy nhiên các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản quan ngại rằng, đây thực chất là một phóng thử tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên không được phép phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Vụ thử nghiệm này càng nguy hiểm hơn sau khi Bình Nhưỡng vừa tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ngày 6.1, làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và đưa nó lên tên lửa tầm xa.
Thiên Hà (theo Business Insider)

Một Thế Giới