Chủ tịch tỉnh Trung Quốc bất trung với đảng, với Tập Cận Bình

Quốc tế - Ngày đăng : 20:24, 06/02/2016

Ngụy Hồng là Chủ tịch tỉnh Trung Quốc bất trung với đảng và bị cách chức vào lúc ông Tập Cận Bình củng cố quyền lực và được tôn sùng cá nhân, theo AP. 

Ngày 5.2, Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương (CCDI) cho biết đã chính thức điều tra Ngụy Hồng, cựu Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên (tây nam TQ). Cơ quan này cáo buộc ông Ngụy “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một thuật ngữ chỉ tham nhũng nặng.

Trong tuyên bố ngắn, CCDI cáo buộc cựu Chủ tịch tỉnh Trung Quốc bất trung với đảng, “không trung thực và không đánh giá cao những cơ hội giáo dục - cải tạo mà đảng đã tạo điều kiện cho ông ta” .

CCDI cho biết thêm, ngoài những vi phạm kỷ luật đảng và tổ chức, Ngụy đã “chống cự” cuộc điều tra, không thành khẩn nhận tội khi được thẩm vấn và “nhúng tay vào các hoạt động pháp lý”. CCDI tuyên bố: “Những hành vi vi phạm kỷ luật của đồng chí Ngụy rất ghê tởm và rất nghiêm trọng”, nhưng không cung cấp chi tiết sai phạm của ông ta.

Các tội danh này cũng được giáng xuống Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông, đang bị điều tra nhưng không nêu chi tiết sự vi phạm kỷ luật đảng.

Ngày 15.1, CCDI đã cấp thông tin bắt Ngụy để điều tra. Nhiều trang tin TQ nhận định Ngụy “sa lưới” vì liên quan đến “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an TQ hồi năm ngoái đã bị tuyên án tù chung thân về tội nhận hối lộ.

Thời Chu về Tứ Xuyên công tác, Ngụy được cất nhắc từ Bí thư Thành ủy Nhã An lên chức Phó trưởng Ban tổ chức cán bộ tỉnh ủy, rồi một tháng sau nắm chức Trưởng ban.

Khi Chu làm Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên từ năm 1999 đến 2002, Ngụy cũng được lên Ban thường vụ tỉnh ủy. Một cán bộ Nhã An nói rằng Ngụy dùng quyền lực và ảnh hưởng để can thiệp vào công việc của chính quyền thị xã, nhằm giúp Chu Bân (con trai Chu) trục lợi từ các phi vụ làm ăn. Vì vậy, Ngụy từ lâu được xem là người của “Tứ Xuyên phái” của Chu. Tứ Xuyên trở thành điểm nóng của chiến dịch bài trừ tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập.

Theo hãng tin AP, việc cáo buộc Ngụy bất trung là bất thường khi việc không công bố tội danh khiến các nhà quan sát nói đó là dấu hiệu ông Tập củng cố đủ quyền lực, để “đốn hạ” những chính khách lớn mà không cần phải buộc tội hình sự đối với họ.

Ngụy bị buộc tội “vi phạm kỷ luật đảng”, không vi phạm pháp luật, bị giáng xuống chức phó phòng, bị cắt các nhiệm vụ trong đảng.

Giáo sư Willy Lam, người theo dõi kỹ chính trị cấp cao TQ ở Đại học Hồng Kông nói rằng các cáo buộc xem ra cho thấy tầm cỡ chống tham nhũng của ông Tập, hướng tới cả những người không tỏ ra trung thành với ông Tập, chứ không chỉ nhắm vào những kẻ phạm pháp. Các lãnh đạo TQ trước đây có chút khoan dung với nạn bè phái, nhưng giáo sư Lam nói rằng có vẻ như ông Tập quyết dẹp tất cả những kẻ bất trung. Giáo sư Lam nói Ngụy bị nghi là người của hai tiền nhiệm của ông Tập là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Là con trai của một chiến sĩ cách mạng (ông Tập Trọng Huân), ông Tập Cận Bình đang vận dụng các biện pháp tuyên truyền để quảng bá hình ảnh của ông, theo AP. Ông xuất hiện trên các vật lưu niệm và bảng biểu. Thời gian gần đây, ông Tập còn xuất hiện nhiều trên phần tin thời sự của Đài truyền hình Trung ương TQ (CCTV).  

Trong các chuyến thăm và làm việc trước Tết Âm lịch, dân địa phương được phép nắm cánh tay ông Tập, cười với ông và cùng ông hát các ca khúc cách mạng. Sau đó, ông Tập nói chuyện trước các lãnh đạo chính quyền và quân đội, củng cố hình ảnh một vị lãnh đạo tuyệt đối.

Giáo sư Lam nói rằng có vẻ ông Tập muốn nâng vị thế của ông lên tầm “hạt nhân lãnh đạo” của CPC, thay vì chỉ là Tổng bí thư. Sự phân biệt này rất có ý nghĩa trong chính trị TQ, nâng ông Tập lên cao hơn ông Hồ Cẩm Đào và ngang bằng với ông Giang Trạch Dân, người lãnh đạo TQ từ năm 1989 đến 2002.

Chu tich tinh Trung Quoc bat trung voi dang, voi Tap Can Binh-hinh-anh-1
Ông Tập Cận Bình đang muốn trở thành một lãnh đạo tuyệt đối
Bảo Vĩnh (theo AP)

Một Thế Giới