Iran và Ả Rập Saudi có nguy cơ bùng phát chiến tranh

Quốc tế - Ngày đăng : 19:19, 03/01/2016

Ngày 3.1.2016, lãnh đạo tối cao của Iran đã cảnh báo Ả Rập Saudi sẽ gặp phải "sự trả thù của Allah" bởi hành động chặt đầu giáo sĩ Shiite đối lập, ngược lại Riyadh cáo buộc Tehran "bao che khủng bố" sau khi người biểu tình đã xông vào đập phá đại sứ quán Ả Rập Saudi  tại Tehran.
Ả Rập Saudi đã chặt đầu 47 người trong đó có giáo sĩ Nimr al-Nimr và ba nhà hoạt động đối lập thuộc dòng Hồi giáo Shiite khác hôm 2.1. Đây là vụ chặt đầu tập thể lớn nhất trong ba thập kỷ qua tại Ả Rập Saudi.
Giáo sĩ Al-Nimr là lãnh tụ của các cuộc biểu tình của người Hồi giáo Shiite thiểu số tại Ả Rập Saudi cho đến khi ông bị bắt hồi năm 2012, việc hành hình ông này dấy lên làn sóng phản đối của người Shiite khắp khu vực Trung Đông.
Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã lên án hành động chặt đầu giáo sĩ al-Nimr, đồng thời nói rằng giáo sĩ al-Nimr là người "không bao giờ sử dụng vũ khí và âm mưu giết ai. Điều duy nhất ông ấy làm là chỉ trích công khai". 
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran thì tuyên chiến với Riyadh khi khẳng định "hành động man rợ như thời trung cổ" của Ả Rập Saudi sẽ dẫn đến sự "sụp đổ" của chế độ quân chủ tại đây trong nay mai.
Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi tố ngược lại Iran rằng nước này đã "lộ bộ mặt thật, là một đại diện hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố".
Tuyên bố được đăng tải trên kênh truyền thông nhà nước của Ả Rập Saudi, cáo buộc Tehran đang theo đuổi "chủ nghĩa giả dối" và cho biết hành động "bảo vệ những hành vi khủng bố" của Iran là "đồng phạm của những tội ác trong toàn bộ khu vực Trung Đông".
Ông Al-Nimr đã bị Ả Rập Saudi kết án là khủng bố, nhưng ông chưa hề chủ trương sử dụng bạo lực để đấu tranh cho quyền bình đẳng của người Shiite tại Ả Rập Saudi .
Vương quốc Hồi giáo Sunni Ả Rập Saudi và Cộng hòa Hồi giáo Shiite Iran đang trong một cuộc cạnh tranh quyền lực tại Trung Đông, và hỗ trợ các phe đối lập nhau tại Syria và Yemen. 
Iran cáo buộc Ả Rập Saudi "tài trợ khủng bố" khi ủng hộ các nhóm nổi dậy Syria trong đó có nhiều nhóm có liên hệ với Al-Qaeda và IS, ngược lại Riyadh chỉ trích Iran khi nước này hỗ trợ nhóm du kích Hezbollah ở Lebanon và những nhóm chiến binh thuộc dòng Shiite khác.
Cả Iran và Ả Rập Saudi đều đã triệu hồi đại sứ của nhau để chỉ trích sau khi vụ hành hình giáo sĩ al-Nimr được thực hiện.
Thiên Hà (theo AP)

Một Thế Giới