Khủng bố IS cũng có chuyện... ‘ăn đêm’
Quốc tế - Ngày đăng : 17:49, 21/12/2015
Những tác động từ chế độ trước đó đang khiến Nhà nước Hồi giáo đau đầu với kế hoạch chống lại hoạt động tham nhũng. Một chỉ huy phiến quân Syria giấu tên nói với tờ báo Financial Times rằng: “Tại tiền tuyến của khủng bố IS, người đứng đầu các nhóm khủng bố sẽ áp dụng chế độ lương cho 250 người, nhưng số lượng tay súng thực sự chỉ khoảng 150 người.”
Để ngăn chặn hoạt động tham nhũng, Nhà nước Hồi giáo bắt đầu thi hành một số giải pháp nhưng không đem lại hiệu quả. “Giới lãnh đạo IS đã phát hiện ra điều này và họ bắt đầu điều động các nhà quản lý tài chính đến chiến trường để tham gia vào việc phát lương. Tuy nhiên, các nhà quản lý sau đó lại bắt tay với người đứng đầu các nhóm khủng bố để thực hiện hành vi tham nhũng”, báo Financial Times trích dẫn.
Khủng bố IS đã phát triển nhanh chóng trong hơn 1 năm qua, kéo theo sự hình thành công tác quản lý trong các khu vực kiểm soát. Hiện tại, lãnh thổ do IS chiếm đóng trải dài trong 3 quốc gia, bao gồm Iraq, Syria và Lebanon, với 2,8-5,3 triệu người sinh sống. Tất cả các khu vực tồn tại dưới 2 hình thức: Nhà nước Hồi giáo kiểm soát nghiêm ngặt hoặc tự do hoạt động.
Do đó, để tăng cường phạm vi kiểm soát, Nhà nước Hồi giáo bắt đầu tuyển dụng những quan chức của chế độ cũ miễn là những người này phù hợp với tư tưởng của các nhóm khủng bố.
Một dược sĩ làm việc tại bệnh viện có trụ sở ở Mayadin, Syria cho biết: “Một quan chức y tế từng phục vụ dưới chế độ của Tổng thống Bashar Assad bị cách chức vì cáo buộc tham nhũng, khi viết hàng chục đơn thuốc không cần thiết, thu tiền trái quy định và đốt mọi giấy tờ trong phòng khám để tránh bị bắt, vẫn được IS tuyển dụng.”
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq và Syria là 2 quốc gia có hoạt động tham nhũng cao nhất trên thế giới. Iraq đứng thứ 170/175 quốc gia về mức độ tham nhũng do các doanh nghiệp và tổ chức chính phủ tìm kiếm cơ hội kinh doanh bên trong các quốc gia nước ngoài đánh giá. Trong khi đó, Syria xếp hạng 159/175.
Điều đó cho thấy, việc IS tuyển dụng các quan chức của chế độ cũ trong khu vực mới chiếm đóng có thể tăng cao hiệu quả quản lý lãnh thổ, nhưng mối đe dọa tham nhũng sẽ tiếp tục hiện hữu. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định những biện pháp trừng phạt hà khắc của Nhà nước Hồi giáo sẽ phần nào giảm bớt hoạt động tham nhũng.
Một quan chức phương Tây giấu tên cho biết: “Thực tế là trước khi khủng bố IS kiểm soát thành phố Mosul, hoạt động tham nhũng có vẻ trầm trọng hơn. Nhà nước Hồi giáo đã đối phó với tham nhũng một cách quyết liệt để giảm bớt tình trạng này”.
Hàn Giang ( theo International Business Times )