Israel và Thổ Nhĩ Kỳ gạt bỏ ‘hận thù’, làm lại từ đầu

Quốc tế - Ngày đăng : 04:59, 19/12/2015

Sau nhiều năm đóng băng quan hệ ngoại giao, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ, qua đó bắt đầu khôi phục mối quan hệ giữa hai nước.

Hai quốc gia, từng là đồng minh thân cận trong khu vực, đã mâu thuẫn gay gắt sau cuộc đụng độ chết người giữa biệt kích Israel và các nhà hoạt động Thổ Nhĩ kỳ trên một con tàu vào năm 2010.

Tàu Mavi Marmara, một trong những tàu chở hàng cứu trợ đến Dải Gaza, đã cố gắng xâm nhập khu vực được phong tỏa bởi hải quân Israel. Một nhóm biệt kích Israel đã đột kích vào boong tàu và giết chết 9 nhà hoạt động sau khi gặp phải sự phản kháng. Ngoài ra, một nhà hoạt động khác cũng tử vong sau đó, vì những vết thương do quân đội Israel gây ra.

Theo một quan chức cấp cao của Israel, Jerusalem sẽ thiết lập quỹ bồi thường cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng trên tàu Mavi Marmara. Theo giới truyền thông Israel, khoản bồi thường trị giá khoảng 20 triệu USD. Tuy nhiên, Emmanuel Nahshon, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Israel cho biết, số tiền hiện vẫn chưa được xác định.

Ngược lại, Ankara sẽ đồng ý giảm mức phạt hình sự đối với các quân nhân Israel gây ra vụ tấn công, đồng thời điều quân ngăn chặn các nhóm chiến binh Hồi giáo kiểm soát lãnh thổ Palestine ở Dải Gaza thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Jerusalem cáo buộc Ankara “làm ngơ” khi lãnh đạo lực lượng Hamas, Saleh al-Arouri, triển khai quân tấn công Israel ở Bờ Tây.

Hai nước cũng thiết lập lại mối quan hệ mức sứ quán và thảo luận về kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Israel đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các thỏa thuận được công bố vài ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định với các phóng viên rằng: “Việc hòa giải sẽ tốt hơn cho chúng ta, Israel, Palestine và toàn bộ khu vực”.

Dore Gold, Tổng Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel, cho biết trong một tuyên bố: “Jerusalem luôn hy vọng xây dựng quan hệ ổn định với Thổ Nhĩ Kỳ và liên tục thay đổi để đạt được mục tiêu này”. Hiện tại, các thỏa thuận hòa giải vẫn cần sự đồng ý cuối cùng của giới lãnh đạo hai nước, một quan chức cấp cao Israel cung cấp.

Cuối năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm đến Israel, mở đường cho quá trình hòa giải giữa hai đồng minh của Mỹ. Ông Obama đã gợi ý về một lời xin lỗi cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu đối với Thổ Nhĩ Kỳ về sự kiện tàu Marmara. Một cuộc điện thoại đã được thực hiện vào cuối chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ. Tuy nhiênIsrael và Thổ Nhĩ Kỳđã không thể tìm được tiếng nói chung vào thời điểm đó.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ hiện không đưa ra bất cứ bình luận nào về thỏa thuận hòa giải. Nhưng tờ báo thân chính phủ Daily Sabah cho biết, một điều khoản sơ bộ đã đạt được tại cuộc họp ở Zurich.

Thỏa thuận với Jerusalem có thể khôi phục một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Ankara, từ đó tạo điều kiện cho Mỹ thực hiện kế hoạch duy trì an ninh trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ từng là quốc gia thân thiết nhất của Israel trong thế giới Hồi giáo, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược, bao gồm cả việc ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran.

Nhà Trắng đã lên tiếng ca ngợi thỏa thuận: “Mỹ hoan nghênh bước tiến trong kế hoạch cải thiện quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng nhất trong khu vực. Điều này mang đến lợi ích chung cho tất cả các bên và hạn chế những thách thức phải đối mặt”.

Hàn Giang (theo The New York Times)

Một Thế Giới